Hủy thầu cần cân nhắc quyền lợi nhà đầu tư

Đan Thanh 13/01/2023 06:44

Nếu hủy thầu xuất phát từ cơ quan nhà nước mà không đền bù chi phí cho các bên liên quan là chưa thật phù hợp và bảo đảm công bằng cho nhà đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại khi góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

“Không công bằng cho chủ đầu tư”

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) (gọi tắt là dự thảo) phiên bản tháng 12.2022 đang trong quá trình lấy ý kiến. Trong đó, tại điểm b, Khoản 2, Điều 17 quy định một trong các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư là “thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư của dự án trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) hoặc quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư kinh doanh (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) ảnh hưởng tới hồ sơ mời thầu”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 dự thảo, trong trường hợp này, các bên liên quan sẽ không được đền bù chi phí. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, điều này dường như chưa thật phù hợp và bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư khi tham dự thầu.

VCCI phân tích, các nhà đầu tư đã phải bỏ ra chi phí để tham gia đấu thầu. Việc thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư của dự án xuất phát từ cơ quan nhà nước, không phải là lỗi của các nhà đầu tư, vì vậy trong trường hợp này, nhà đầu tư cần phải được đền bù về chi phí tương tự như cơ chế bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu quy định tại Điều 39 Dự thảo.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV vừa qua, khi góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo chưa quy định trách nhiệm của chủ đầu tư hủy thầu do quyết định sai phương thức đấu thầu, thiếu trách nhiệm, hậu quả là phải hủy thầu, gây tổn hại cho nhà thầu, chậm tiến độ dự án và gây thiệt hại cho Nhà nước.

Do đó, bà Nga đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp này. Bởi trong thực tế, việc hủy thầu vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân, như sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của bên mời thầu, nhầm phương thức lựa chọn nhà thầu… “Nếu việc hủy thầu không chính đáng, thậm chí không có trong quy định của luật thì cần phải có chế tài xử lý”, đại biểu này nhấn mạnh.

Cần làm rõ các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Ảnh ITN
Cần làm rõ các hành vi bị cấm trong đấu thầu
Nguồn: ITN

Làm rõ hành vi bị cấm trong đấu thầu

Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Điểm c khoản 2 Điều 16 dự thảo quy định cấm chủ đầu tư, bên mời thầu “nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và 4 Điều 41 của Luật này”.

Khoản 4 Điều 41 dự thảo quy định “trường hợp cần thiết để bảo đảm mua được hàng hóa có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu sử dụng thì trong hồ sơ mời thầu có thể quy định về xuất xứ của hàng hóa từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ”. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa đủ rõ ràng và trao nhiều quyền cho bên mời thầu quyết định việc xác định xuất xứ của hàng hóa.

“Kết hợp điều này với điểm c khoản 2 Điều 16 dự thảo, rất khó để xác định khi nào thì yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ thuộc trường hợp cấm lúc nào thì thuộc trường hợp được phép. Vì “trường hợp cần thiết” là một khái niệm rất chung, mang tính định tính và các bên có thể diễn giải áp dụng theo các cách khác nhau”, VCCI lưu ý.

Tương tự, về đấu thầu quốc tế (Điều 11), dự thảo quy định điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu là “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu dự án”. Quy định này cho phép người có thẩm quyền toàn quyền quyết định có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài hay không vào gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn trong khi căn cứ để quyết định khá chung chung “nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án”.

VCCI quan ngại, cho dù gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà nhà thầu trong nước có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu hoặc có nhiều nhà thầu tham gia sơ tuyển, mời quan tâm hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước - những gói thầu phải đấu thầu trong nước, thì cũng có thể tổ chức đấu thầu quốc tế nếu người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án. Do vậy, Ban soạn thảo cần xem xét hoặc quy định theo hướng có thể định lượng hơn hoặc bỏ quy định này để tránh bị lạm dụng và làm giảm ý nghĩa của các quy định về điều kiện khác đấu thầu quốc tế.

Ngoài ra, theo VCCI, so với quy định hiện hành, dự thảo gần như giữ nguyên quy định cơ sở y tế công lập mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế sử dụng “vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác” thuộc trường hợp phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu (điểm e khoản 2 Điều 1). Theo quy định này thì việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của cơ sở y tế công lập đều phải thực hiện đấu thầu. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng tự chủ của các cơ sở y tế công lập trong việc mua sắm thuốc và khó tạo cơ hội lựa chọn thuốc của người bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh nêu trên.

Nhằm tạo cơ sở cho việc sửa đổi các quy định tại pháp luật về dược, một số doanh nghiệp đề nghị cân nhắc điều chỉnh lại quy định này tại dự thảo theo hướng bỏ mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế từ nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập là đối tượng phải thực hiện đấu thầu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hủy thầu cần cân nhắc quyền lợi nhà đầu tư
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO