Huy động vốn cho dự án điện độc lập

- Thứ Ba, 24/11/2020, 14:51 - Chia sẻ
Ngày 24.11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Huy động vốn cho dự án điện độc lập do Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển phối hợp tổ chức.

Đề dẫn Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) Đặng Huy Đông cho biết, theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng một nửa tổng GDP hiện nay của đất nước. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực. Do đó, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA được cho là ưu đãi đang khép lại. Nguồn vốn còn lại duy nhất là từ các định chế tài chính quốc tế. Thị trường vốn quốc tế rất lớn, dư sức thỏa mãn nhu cầu vốn của Việt Nam. Nhưng cũng như các hàng hóa khác, dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ...

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn nhưng sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: Có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; rủi ro thấp.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, đánh giá thêm về hướng tiếp cận, một số phương thức, điều kiện phù hợp để huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng nói chung và cho các dự án nguồn điện độc lập nói riêng. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gắn với những cơ chế, chính sách về quản lý ngoại hối, cũng như sự tham gia của các ngân hàng thương mại cổ phần vào các dự án huy động vốn quốc tế và một số nội dung liên quan khác nhằm thúc đẩy phát triển các dự án nguồn điện độc lập, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Minh Hương