Phát triển nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp

Huy động thêm nguồn vốn tư nhân

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:56 - Chia sẻ
Nhu cầu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) hiện rất lớn song tỷ lệ đáp ứng còn rất thấp. Nhìn từ mô hình phát triển bất động sản du lịch với hàng nghìn dự án condotel thời gian qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng nguồn lực xã hội rất lớn, cần huy động để đầu tư nhà ở công nhân.

Chỉ đạt 28% nhu cầu 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, hiện cả nước mới phát triển được 5,2 triệu m2 nhà ở cho công nhân, đạt 42% mục tiêu đặt ra là 12,5 triệu m2 vào năm 2020, trong đó hoàn thành được 2,8 triệu m2 (đạt 28%) so với nhu cầu 8,3 triệu m2. Nguyên nhân khiến tỷ lệ này vẫn thấp là do mặc dù các quy định hiện hành đã yêu cầu UBND các tỉnh trong quá trình phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, KCN, khu chế xuất nhất thiết phải dành ra quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội song việc thực hiện chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng để phát triển nhà ở xã hội rất ít, nhất là sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ được triển khai từ năm 2013 - 2016 kết thúc.

Nhà lưu trú công nhân

Nguồn Internet 

Phó Chủ tịch VNREA Nguyễn Mạnh Hà bổ sung, năm 2008 Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP để phát triển 3 loại nhà: Nhà ở xã hội cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ở các đô thị; nhà ở cho công nhân và nhà ở cho sinh viên. Đối với nhà ở xã hội và nhà ở sinh viên đã rất phát triển và hiện có nhiều quy định hỗ trợ, giải quyết nhu cầu rất lớn cho người dân nhưng riêng với nhà ở công nhân còn nhiều bất cập. Theo đó, mặc dù đã có nhiều ưu đãi lớn như không phải nộp, thu tiền đất, cho vay vốn ưu đãi, các doanh nghiệp khi thuê nhà cho công nhân sẽ được tính vào chi phí thực tế và sẽ được khấu trừ trong thuế thu nhập doanh nghiệp song những giải pháp này chỉ giải quyết được một phần. “Khó khăn nhất là phía khách hàng có thu nhập thấp, không đủ đáp ứng những điều kiện đưa ra”, ông Hà chỉ rõ. 

Dưới góc độ của một nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ đô Đỗ Đức Đạt cho biết, hiện nhà ở công nhân rất khó để thực hiện do 2 nút thắt. Thứ nhất, mặc dù công nhân có nhu cầu cao nhưng sức mua và sức thuê lại đối nghịch - rất thấp. Tập tính, cách sống lại khác biệt, không có sự gắn bó lâu dài tại các KCN, chưa kể nhu cầu thuê nhà ở lại đòi hỏi riêng biệt và giá thuê phải thấp. Thứ hai, về đối thủ cạnh tranh, trên thế giới đã có nhiều nước đi trước về nhà ở công nhân như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… Hiện chúng ta có 3 mô hình: Nhà nước đầu tư, KCN đầu tư, các nhà đầu tư để làm nhà công nhân. Nếu các chính sách không công bằng, những nhà đầu tư nhà ở cho công nhân sẽ rơi vào yếu thế mặc dù họ rất muốn tham gia.

Nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội
Ảnh: Phạm Hùng

Chính sách hỗ trợ phải đúng nhu cầu

Trên thực tế, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển nhà ở xã hội và 2.000 tỷ đồng để bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn tới. 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, mức này chưa thực sự hỗ trợ thị trường. Ông Nghĩa phân tích, nhà ở cho công nhân đang ngày càng trở nên bức thiết, không chỉ phục vụ cho công nhân công nghiệp mà cả công nhân ở khu vực dịch vụ. Qua khảo sát, công nhân trong KCN có chất lượng cuộc sống, điều kiện đi lại chưa được hỗ trợ, cải thiện nhiều. “Nếu đã có chính sách hỗ trợ thì cần một chính sách thực sự chất lượng, mạnh mẽ và đúng với nhu cầu, không được chung chung. Sắp tới, Tổ tư vấn tài chính sẽ có các kiến nghị rõ ràng lên Chính phủ để có một chính sách lớn dành cho công nhân trong các KCN”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Phó Chủ tịch VNREA Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, cần tập trung tăng nguồn cung để giảm giá thuê. Cụ thể, Nhà nước phải quy hoạch lại, hỗ trợ cho những vùng lân cận các KCN, đầu tư những khu đô thị nhỏ, nhà ở bảo đảm phù hợp thì mới có nhiều nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn tư nhân trong việc đầu tư nhà ở công nhân. Khoảng 10 năm trước, không ai có thể tưởng tượng Việt Nam sẽ trở thành 1 quốc gia có thị trường bất động sản du lịch phát triển với hàng nghìn dự án có dịch vụ cao đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao. Mặc dù Nhà nước không bỏ tiền ra và chủ đầu tư cũng không phải bỏ nhiều tiền vào để đầu tư nhưng lại huy động được nhiều nhà đầu tư nhỏ, lẻ đầu tư từ 1 đến vài căn rồi ủy thác lại cho chủ đầu tư. Đó chính là nguồn lực rất lớn trong xã hội. “Chúng ta nên học tập mô hình này để phát triển nhà ở công nhân, sẽ huy động được các nguồn vốn cho các chủ đầu tư”, ông Hà nhấn mạnh. 

 

Hạnh Nhung