Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

- Thứ Năm, 19/11/2020, 06:51 - Chia sẻ
Đồng Nai xây dựng nông thôn mới với tinh thần “Chủ động, quyết tâm, quyết liệt” cao kể cả trước và trong thực hiện. Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình, Đồng Nai đã đạt được những thành quả tích cực và đáng khích lệ trên tất cả các mặt, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển đồng bộ, kết nối giữa các trung tâm, hệ thống trường học cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao một bước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới... Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức hội, đoàn thể và cán bộ, nhân dân. Nhờ vậy, các phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại được thực hiện hiệu quả. 

Xây dựng hạ tầng nông thôn tại huyện Trảng Bom

Những kết quả tích cực từ chỉ đạo và tổ chức huy động nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đồng Nai đã cho thấy những bài học kinh nghiệm có tính cốt lõi được rút ra. Trước hết, với công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn yêu cầu sự chủ động và đồng bộ, nhất là việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương bảo đảm kịp thời, phù hợp và sát thực tế của địa phương.

Để cụ thể hóa các chính sách huy động của Trung ương, Đồng Nai đã ban hành: Nghị quyết chuyên đề về huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới; ban hành một số chính sách cụ thể để hỗ trợ, kích thích huy động nguồn vốn xã hội. Đồng thời, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; nguyên tắc huy động đóng góp tự nguyện hàng năm của nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng và chú trọng công tác kiểm tra giám sát, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Tiếp đến là công tác dân vận để thấy rõ vai trò của nhân dân vừa là đối tượng thực hiện, vừa giám sát và thụ hưởng của Chương trình. Đây được đánh giá là cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện đối với vùng nông thôn chính vì vậy việc hiểu và nắm chắc các cơ chế chính sách huy động và sử dụng các nguồn lực; phát huy vai trò chủ thể của người dân, người dân thấy rõ được trách nhiệm và tự giác, tích cực đóng góp tiền, vật chất, ngày công để chung tay cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới là yếu tố tất yếu quyết định sự thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Để làm được điều đó, nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, phương thức phải phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực. Riêng với Đồng Nai có đồng bào công giáo chiếm 1/3 dân số của tỉnh, vì vậy lãnh đạo các cấp của tỉnh đã tranh thủ tốt vai trò của các vị linh mục để tuyên truyền giáo dân, phật tử. Với phương thức này, vừa qua Đồng Nai thực hiện đạt hiệu quả rất cao, tiêu biểu như huyện Thống Nhất với tỷ lệ đồng bào công giáo chiếm 72%, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Hiệu quả từ huy động nguồn lực

Trong đó, việc huy động các nguồn lực có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và Chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng. Đi đầu trong thực hiện các giải pháp là việc ban hành các cơ chế chính sách huy động, phù hợp thực tiễn tại địa phương và đa dạng hóa hình thức huy động: Huy động trực tiếp đầu tư, đóng góp cho xây dựng nông thôn mới từ các tổ chức cá nhân, huy động lồng ghép với các chương trình, đề án như: Giảm nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, đào tạo nghề lao động nông thôn...

Qua đó, đã phát huy hiệu quả cao hơn đối với từng nguồn vốn, cũng như tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn nông thôn, đặc biệt là nguồn vốn xã hội, là một yếu tố lớn quyết định sự thành công của Chương trình. Giai đoạn 2011 - 2019, tỉnh đã huy động hơn 369 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước hơn 42 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,45%; vốn vay tín dụng hơn 226 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61,26%; vốn doanh nghiệp hơn 54 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,64%; vốn nhân dân đóng góp gần 47 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,65%.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho rằng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa, đến nay, 100% tuyến đường huyện, xã trên địa bàn huyện Xuân Lộc được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 80% các tuyến đường ấp, ngõ xóm, giao thông nội đồng được cứng hóa. Cùng với đó, trên 80% các tuyến đường lắp đặt hệ thống chiếu sáng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản. Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đã góp phần tạo đà phát triển cho toàn huyện đang trên đà phát triển năng động, trọng tâm là nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ và công nghiệp. Đây là các ngành có hỗ trợ lớn cho công tác tái đầu tư hạ tầng trên địa bàn huyện.

Với chủ trương “cho vay gạo không cho vay củi, cho mượn áo không cho mượn giày”, các chương trình mục tiêu quốc gia tại Đồng Nai đã được thực hiện rất hiệu quả bằng những hành động thiết thực, mang lại chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế nông thôn, đời sống nhân dân qua đó từng bước được nâng cao.

Tùng Lâm