Chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em các xã đặc biệt khó khăn

Huy động nguồn lực, hỗ trợ kịp thời

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 17:12 - Chia sẻ
Nhằm tạo cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục… cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và dự kiến ban hành nhiều chính sách, đem lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành, giúp chăm sóc, hỗ trợ trẻ em kịp thời - Nguồn: kinhtevadubao.vn
Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành, giúp chăm sóc, hỗ trợ trẻ em kịp thời  

Hàng chục nghìn trẻ em được hỗ trợ 

Đề án Vận động xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2018 - 2025 nhằm vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các gói dịch vụ: (i) Cải thiện tình trạng sức khỏe dinh dưỡng của trẻ em; (ii) Hỗ trợ trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí; (iii) Hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em. Thực hiện Đề án, trong năm 2019 - 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số bộ, ngành, địa phương triển khai hỗ trợ gói đồ ấm cho trẻ em từ nguồn nhắn tin ủng hộ người nghèo cho hơn 16 nghìn trẻ em tại 28 tỉnh, thành phố với kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng 500 bộ đồ chơi thể chất (trị giá gần 100 triệu đồng) cho con cán bộ của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đang công tác tại vùng biên giới của Tổ quốc; trực tiếp chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, danh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho 37.687 trẻ em (khám chữa bệnh, phẫu thuật tim, mắt, nụ cười, tặng quà, học bổng…) với kinh phí hơn 29 tỷ đồng.

Bộ đang phối hợp một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng hợp, nghiên cứu rà soát chính sách khuyến khích các cá nhân tham gia thực hiện các gói hỗ trợ cho trẻ em; xây dựng mạng lưới nhà tài trợ, tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ thực hiện Đề án; hướng dẫn triển khai thực hiện các gói dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em; hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực thực hiện Đề án, điều phối nguồn lực hỗ trợ trẻ em.

Bộ cũng phối hợp với UNICEF triển khai hoạt động hỗ trợ khẩn cấp về bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2020 cho 6 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, trong đó bao gồm 3.400 suất quà là các đồ dùng trong tình trạng khẩn cấp.

Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có quy định cụ thể chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn. Theo đó, ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập đáp ứng kiên cố hóa trường lớp học; được hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em với mức hỗ trợ 2,4 triệu đồng/tháng/45 trẻ em, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ.

Cùng với đó là chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo là đối tượng trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; sống trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; trẻ em khuyết tật học hòa nhập… với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Còn theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, trẻ em khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Trợ giúp y tế; Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp… Trợ giúp giáo dục: Xây dựng, phát triển chương trình, sách giáo khoa, học liệu giáo dục người khuyết tật ở lứa tuổi mầm non và phổ thông đáp ứng nhu cầu đa dạng của người khuyết tật.

Đặc biệt, tại buổi làm việc về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 đối với lĩnh vực trẻ em, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận và đánh giá cao khi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những văn bản rất cần thiết ứng phó dịch bệnh, như Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (trong đó có chính sách hỗ trợ bổ sung cho trẻ em); Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (tại Chương VII quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế)... Nhờ đó, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời.

Về các nhiệm vụ cần ưu tiên hiện nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Trẻ em 2016 và Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các nguy cơ do đại dịch Covid-19 tác động đến trẻ em; tăng cường công tác phối hợp với Bộ Y tế, các kênh liên quan để tìm nguồn vaccine tiêm chủng cho trẻ em…

Linh Hương