Hướng về miền Trung

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 06:33 - Chia sẻ
Hơn 10 ngày nay, người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… liên tiếp oằn mình chống chọi với bão, lũ. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chưa tính đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 do địa phương đang xác minh, đến sáng 14.10, tại các tỉnh miền Trung đã có 48 người chết và mất tích do mưa lũ. Thiệt hại nặng nề nhất về người là Quảng Trị có 10 người chết và 5 người mất tích.

Bão lũ, buồn thay, chẳng bao giờ lỡ hẹn với miền Trung. Thiên tai với người miền Trung thì không lạ, người miền Trung cũng không thiếu kinh nghiệm, sáng kiến để an toàn trong bão lũ. Dù đã được dự báo trước, song dường như chúng ta vẫn bàng hoàng trước những tổn thất phải gánh chịu.

Ở Quảng Nam, đôi vợ chồng trẻ vì nôn nóng về với đứa con thơ 24 tháng tuổi, mà bỏ mạng giữa dòng nước dữ. Cũng tại tỉnh này, hai mẹ con dọn dẹp nhà sau lũ, bị điện giật tử vong ngay trong ngôi nhà của mình đầy thương tâm. Ở Huế một sản phụ đến giờ khắc lâm bồn, trên đường đi sinh, bị lũ cuốn trôi ngay trước mắt người chồng…

Mỗi năm phải hứng chịu trên dưới 10 cơn bão, rất nhiều giải pháp phòng chống lũ ở các tỉnh miền Trung được liệt kê hàng năm, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hồ điều tiết lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước, mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống đường giao thông. Các phương án sơ tán người dân khỏi vùng lũ, xây nhà phao chống lũ... rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn bất lực, chưa tìm ra biện pháp tối ưu để giảm thiểu thiệt hại trước lũ.

Thiên tai triền miên cũng chính là yếu tố cản trở không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này. Cũng vì kinh tế khó khăn mà nhiều gia đình chưa làm được nhà kiên cố, nên mỗi khi lũ lớn dồn về hàng chục nghìn gia đình mất hết tài sản, lương thực. Hàng trăm gia đình phải chịu cảnh đau thương, tang tóc do lũ lụt đã cướp đi sinh mạng người thân.

Thiên tai chỉ có thể phòng chứ không thể chống. Nhiều khi mức độ của thiên tai vượt quá sức chống đỡ của con người nhưng buộc chúng ta vẫn phải thích nghi. Thiết nghĩ, cần lắm một quy hoạch dài hơi và thiết thực hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai cho cộng đồng ở những khu vực thường xuyên bị bão lũ, cần một môi trường sống an toàn để phát triển ngay tại nơi chính họ đã sinh ra. Phải coi ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt gây ra là việc làm thường xuyên, lâu dài và ngày càng khó khăn, tốn kém trước những biến đổi xấu về thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này đòi hỏi chính quyền phải có chủ trương đúng, giải pháp và bước đi phù hợp để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Trong đó, điều quan trọng nhất để mất mát về người không tăng lên mỗi năm, có lẽ là chọn sự ưu tiên bảo vệ trong từng giai đoạn. Trước bão lũ ưu tiên bảo vệ tài sản, còn trong bão lũ ưu tiên bảo vệ tính mạng con người. Tuyệt đối không cố cứu tài sản ngoài nhà khi nước lũ đang dâng; tuyệt đối không rời khỏi nơi cư trú nếu nước đang lên; nếu phải di chuyển hãy đến nhà cao tầng gần nhất… Những điều tưởng như ai cũng biết ấy, trong nhiều trường hợp lại không được thực hiện, dẫn đến kết quả đau lòng.

Thực tế, mức độ rủi ro của thiên tai không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà cả nhận thức, năng lực và nỗ lực của chính quyền trong việc giảm thiểu và thích ứng với thiên tai. Đối với miền Trung, đại dịch Covid-19 chưa qua, hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, kinh tế kiệt quệ. Nhiều người chưa thể hình dung cuộc sống của họ ngày mai sẽ ra sao. Bão lũ sẽ là “đòn giáng” cuối cùng nếu không có biện pháp ứng phó linh hoạt, hỗ trợ kịp thời vào lúc này.

Duy Anh