Những con số đau thương
Cơn bão số 3 - cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 tính đến hiện tại. Bão Yagi cũng lập kỷ lục tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Khi đổ bộ vào nước ta, đã không chỉ mang theo những trận cuồng phong mà hoàn lưu của nó còn là tác nhân gây ra những trận mưa như trút nước dội xuống các tỉnh miền núi phía Bắc..
Trong những ngày qua, những con số đau lòng và những thông tin mất mát liên tiếp được ghi nhận. Chỉ trong một đêm, lũ trên sông Cầu dâng cao quá nhanh, hơn 9.000 người ở xã Vân Hà, Bắc Giang bị cô lập hoàn toàn, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng bị thiệt hại nặng nề, có người chết và bị thương…
Tại Thái Nguyên, người dân phải hứng chịu một trận “đại hồng thủy chưa từng có”. Mưa lớn ngày tiếp ngày cứ dội xuống khiến nước sông Cầu dâng lên cao. Nước lũ lên nhanh chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhấn chìm hết ruộng nương, hoa màu của người dân. Nhiều nhà bị ngập sâu, chìm sâu trong nước buộc người dân phải leo lên tầng cao tránh lũ…
Phú Thọ cũng chẳng ngoại lệ, do diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về, xả lũ từ các hồ thủy điện khiến mực nước ở các sông chảy qua địa bàn tỉnh lên cao, có nơi vượt mức báo động III. Đặc biệt, khoảng 10 giờ sáng ngày 9.9, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C, bắc qua sông Hồng, nối giữa huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao bị sập. Vụ sập cầu này đã khiến nhiều người mất tích…
Có lẽ nhân chứng cho sự tàn khốc đau thương, ám ảnh nhất do hoàn lưu bão số 3 đó chính là những thiệt hại ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ngày 10.9, một trận lũ quét lớn đã vùi lấp toàn bộ bản làng nhỏ bé, xinh đẹp định cư lâu đời dưới chân núi Con Voi hùng vĩ trong bùn đất dày cả chục mét. Tai họa ập đến bất thình lình, đất đá sạt lở đã vùi lấp 37 hộ với 158 nhân khẩu. Làng Nủ sau lũ chỉ còn lại một màu tang thương bao trùm...
Có thể nói, trong những ngày qua, các tỉnh phía Bắc đã phải oằn mình gánh chịu sức tàn phá của bão số 3. Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN - PTNT), tính đến 6 giờ ngày 12.9, có 326 người chết, mất tích (181 người chết, 145 người mất tích). Trong đó, Lào Cai là 183 người (72 người chết, 111 người mất tích); Cao Bằng 52 người (34 người chết, 18 người mất tích). Yên Bái 44 người (40 người chết, 4 người mất tích); Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất)…
Thắp ngọn lửa “tương thân, tương ái”
Trong những ngày các tỉnh miền núi phía Bắc phải gồng mình chống chịu với “cuồng nộ” của bão số 3, không khó để bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an, dân quân địa phương... không ngại hiểm nguy để giúp dân hộ đê, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán, phát lương thực cho từng nhà…
Đó là những chiến sĩ Công an xã Tân Văn (huyện Bình Gia, Lạng Sơn) không quản ngại nước lũ dâng cao vẫn dũng cảm chèo bè qua những con đường ngập sâu và nguy hiểm suốt hơn 4 tiếng để đưa một sản phụ ra khỏi vùng nguy hiểm “vượt cạn” an toàn. Hay hình ảnh anh thanh niên Ngô Văn Khanh (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) chèo thuyền ra giữa lòng lũ dữ cứu người rơi xuống sông Hồng trong vụ sập cầu Phong Châu…
Những hình ảnh đẹp này nhanh chóng được lan tỏa trên khắp các mạng xã hội và kênh truyền thông, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về tình người trong lũ, từ một hành động tử tế đó đã thắp lên ngọn lửa tinh thần tương thân tương ái. Không ai bảo ai, hàng loạt cá nhân, hội nhóm, tài khoản trên mạng xã hội cũng chung tay kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng ngập nặng. Ai có gì thì giúp nấy, người có bến bãi đỗ xe sẵn lòng cho ai có nhu cầu gửi xe miễn phí, không lo ngập; người có phương tiện (xe tải thùng) có thể chở thuyền, tàu, cano về vùng ngập với “cước xe 0 đồng”…
Đáng trân trọng hơn nữa, khi tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, thể hiện rõ khi các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, dù thiệt hại rất nặng nề sau bão vẫn “nhường” suất cứu trợ của Trung ương cho các địa phương khác khó khăn hơn…
Càng ấm lòng hơn, nơi khúc ruột miền Trung cũng đang gánh chịu lũ lụt nhưng những người dân vẫn phát động phong trào đóng góp gạo nếp, đậu xanh, cùng nhau cắt lá, gói và đỏ lửa xuyên đêm nấu bánh chưng để chuyển ra vùng tâm lũ. Hay đến miền Nam xa xôi cũng sẵn sàng tình nguyện vượt hàng ngàn kilomet ra Bắc chung tay cùng đồng bào dọn dẹp đổ nát, khắc phục hậu quả…
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tinh thần hỗ trợ “cao nhất, nhanh nhất” các gia đình chịu ảnh hưởng của thiên tai, một làn sóng mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương đều phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra…
Sáng 12.9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) được tổng số tiền 1 tỷ đồng. Trong đó, các đại biểu quyên góp trực tiếp hơn 900 triệu đồng, Công đoàn Văn phòng Quốc hội ủng hộ hơn 90 triệu đồng trích từ nguồn xã hội từ thiện…
Không chỉ trong nước, rất nhiều tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước đang tích cực hướng về đồng bào với những việc làm mang đậm tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Càng thắm đượm hơn là, đồng bào vùng lũ cũng nhận được sự chia sẻ thiết thực từ bạn bè năm châu, sự ủng hộ thiết thực của các nước bạn.
Bão lũ qua đi tình người ở lại. Chính trong hoạn nạn này chúng ta lại nhớ sâu sắc đến lời dạy của ông cha ta: Dân ta nhớ một chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh… Hướng về đồng bào tâm lũ - đó cũng chính là mệnh lệnh của trái tim!