Hướng tới tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật chuyên nghiệp
Ngày 6.10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, triển khai từ năm 2008, Nghị định 77 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đến nay một số quy định trong Nghị định đã bộc lộ hạn chế, không phù hợp với sự phát triển của hệ thống tư vấn pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai thi hành Nghị định đã phát sinh một số điểm vướng mắc, cụ thể như: tiêu chuẩn đối với tư vấn viên pháp luật tương đối cao ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; hoạt động tư vấn pháp luật còn hạn chế; thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động eo hẹp. Các đại biểu kiến nghị, để tạo thuận lợi cho hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng mở rộng đối tượng luật sư đang hành nghề được tham gia là cộng tác viên của Trung tâm tư vấn pháp luật thay vì quy định chỉ có luật sư với tư cách làm việc theo hợp đồng ký kết với trung tâm như hiện nay.
Mặt khác, Nghị định 77/2008 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức về cung cấp thông tin cho Trung tâm tư vấn pháp luật về những vấn đề liên quan, nhưng trên thực tế các tư vấn viên gặp rất nhiều khó khăn, cần bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi gây khó khăn này. Nghị định cũng cần quy định thêm điều kiện để tư vấn viên tham gia tố tụng, chứ không thể không cho phép tham gia tố tụng trong vụ án mà Trung tâm tham gia giải quyết như hiện nay.