Sổ tay:

Hướng tới tiêu chuẩn pháp lý tiến bộ

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:46 - Chia sẻ
Dự thảo kết quả rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và luật mẫu, tập quán quốc tế phổ biến liên quan đến hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đây là hoạt động cần thiết trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết.

Đối chiếu Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Thương mại điện tử năm 2005, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại với các điều ước mà Việt Nam là thành viên như Bộ quy tắc hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) của Viện Thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT), Luật mẫu về Trọng tài thương mại năm 1985 với các sửa đổi, bổ sung năm 2006 và Luật mẫu về Hòa giải thương mại quốc tế 2002 của UNCITRAL… cho thấy, về cơ bản hệ thống pháp luật liên quan có sự tương đồng, tuy nhiên không ít quy định chưa phù hợp với những tiêu chuẩn pháp lý tiến bộ được ghi nhận tại những luật mẫu quốc tế.

Đơn cử, Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của trọng tài nước ngoài; trong khi Luật mẫu về Trọng tài thương mại năm 1985 với các sửa đổi, bổ sung năm 2006 có quy định về vấn đề này. Hơn nữa, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, những trường hợp không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài, trong đó có căn cứ là phán quyết của trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản này chưa được pháp luật Việt Nam quy định, giải thích rõ ràng nên đã dẫn đến việc giải thích rộng hoặc hẹp theo ý chí chủ quan của thẩm phán giải quyết vụ việc.

Hay, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng còn một số nội dung chưa thực sự phù hợp với Luật mẫu về trọng tài thương mại năm 1985 với các sửa đổi, bổ sung năm 2006 như: Chưa có quy định về trọng tài quốc tế, mà chỉ có quy định về trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; không có quy định khẳng định nguyên tắc “Đối với những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này sẽ không tòa án nào được can thiệp, trừ những trường hợp được Luật này quy định” như tại Điều 5 của Luật mẫu về trọng tài thương mại năm 1985 với các sửa đổi, bổ sung năm 2006 - đây nguyên tắc quan trọng để bảo đảm tính độc lập của trọng tài Thương mại trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Hoặc, cho đến nay văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải thương mại chưa có ở các hình thức văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mà mới dừng lại ở Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định về vấn đề này. Theo đó, Nghị định này không có quy định về hòa giải được coi là quốc tế như quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật mẫu Hòa giải thương mại quốc tế 2002 của UNCITRAL, mà chỉ có quy định về tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc bảo đảm khung pháp luật trong nước để tận dụng hiệu quả của tiến trình này và thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế là vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt quan trọng hơn khi pháp luật về hợp đồng, giải quyết tranh chấp theo hợp đồng là những nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng giúp tổ chức, cá nhân thực hiện việc hội nhập trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Chính vì thế từ kết quả rà soát, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đã chủ trì trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng mà Việt Nam là thành viên và cũng như các quy tắc tiến bộ tại luật mẫu, tập quán quốc tế phổ biến có liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12.2022.

Nguyễn Minh