Hướng tới lộ trình thực hiện bệnh án điện tử

Minh Nhật 14/02/2019 08:56

Từ ngày 1.3 tới, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử, theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Theo đó, các bệnh viện hạng I sẽ quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Song, đến nay vẫn còn không ít băn khoăn trong việc bảo mật thông tin cá nhân và xây dựng giải pháp triển khai bệnh án điện tử, theo đúng lộ trình.

Yêu cầu cấp thiết

Mới đây, tại buổi làm việc với một số bệnh viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên yêu cầu cấp thiết các bệnh viện phải cải thiện ngay vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, mà đơn giản nhất là bắt đầu từ việc tạo lập hồ sơ bệnh án điện tử. “Tại sao chúng ta phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc chỉ để lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy trong 10 - 15 năm mà không nghĩ đến việc thực hiện bệnh án điện tử tiện lợi hơn rất nhiều?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Từ ngày 1.3 tới, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử Nguồn: ITN
Từ ngày 1.3 tới, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử  
Nguồn: ITN  

Là một trong những bệnh viện triển khai ứng dụng hệ thống bệnh án điện tử toàn bệnh viện ngay từ năm 2017, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Quân cho biết, thay vì làm hồ sơ bệnh án bằng giấy, giờ đây, các thông tin được số hóa và lưu trữ trên máy tính thông qua hệ thống internet. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế, nhân viên y tế sẽ thực hiện tra cứu mã số, từ đó từng bước hướng dẫn quy trình khám, chữa bệnh tiếp theo mà không cần phải nộp sổ khám bệnh chờ đợi như trước kia. Quy trình vì thế cũng được rút ngắn đáng kể.

Với số lượng bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú đông bậc nhất cả nước, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã triển khai thành công bệnh án điện tử toàn viện đồng bộ. Với mục tiêu đặt sự an toàn của người bệnh lên hàng đầu, hệ thống phần mềm cho phép cảnh báo các trường hợp dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, triển khai kháng sinh dự phòng, cho phép dược lâm sàng tham gia trong chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị... Thông qua bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.

Không ít chuyên gia thừa nhận, việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Bệnh nhân hài lòng với quy trình khép kín, nhanh gọn, còn bác sỹ thì đỡ vất vả hơn trong việc ghi chép bệnh án. Theo các y bác sĩ chuyên về phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, nếu như trước đây, để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu mất rất nhiều thời gian do phải chờ nhận kết quả cận lâm sàng và kết quả xét nghiệm thì nay, với bệnh án điện tử, bác sĩ có thể chỉ định điều trị kịp thời, chính xác cho bệnh nhân, tiết kiệm 50% thời gian tra cứu hồ sơ bệnh án trên hệ thống.

Băn khoăn tính bảo mật

Theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, giai đoạn từ năm 2019 - 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tiện ích là vậy nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với việc triển khai lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, nhất là khi đến nay, vẫn thiếu giải pháp bệnh án điện tử hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế. Theo các chuyên gia, việc chậm triển khai bệnh án điện tử ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ sở y tế thì còn rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ lý do công nghệ và giải pháp.

Đơn cử như các giải pháp bệnh án điện tử hiện nay thường là một phần của hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) do vậy muốn triển khai phải thay thế hệ thống dẫn đến phát sinh chi phí lớn đồng thời đảo lộn hoạt động hiện tại của bệnh viện. Việc áp dụng bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen sử dụng, hệ thống mẫu biểu phải lập trình lại thường xuyên làm phát sinh chi phí và thời gian triển khai rất lâu. Bên cạnh đó, việc kết nối khó khăn giữa hệ thống bệnh án điện tử với các hệ thống thông tin y tế khác cũng hạn chế hiệu quả của áp dụng bệnh án điện tử trên thực tế.

Song, những vướng mắc không dừng lại ở đó. Vấn đề bảo mật thông tin bệnh nhân như thế nào cũng là thách thức đặt ra trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho rằng, hành lang pháp lý để ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực y tế vẫn chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là tính riêng tư trong dữ liệu. Không ai dám chắc những thông tin trên bệnh án điện tử sẽ không bị xâm nhập, lấy đi và sử dụng vào mục đích khác.

Chia sẻ về vấn đề này, theo đại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Danh Huế, trong trường hợp dùng bệnh án điện tử thì trách nhiệm lưu trữ bí mật thông tin cá nhân thuộc về bệnh viện, chứ không phải thuộc về bệnh nhân. Dù là bệnh án giấy hay điện tử thì cũng chỉ là phương pháp quản lý hồ sơ cá nhân, bảo mật khách hàng. Do đây là bí mật đời tư nên cấm mọi hình thức để chia sẻ thông tin cá nhân của khách hàng. Trước khi làm đến phương án này thì các bệnh viện phải tính đến phương án bảo mật cho khách hàng.

Tuy nhiên, để bảo mật thông tin bệnh nhân và quản lý phê duyệt bệnh án, các bệnh viện hiện phải áp dụng chữ ký số. Đáng nói là việc áp dụng chữ ký số cho các nhân viên y tế có thể dẫn tới phát sinh chi phí rất lớn và làm chậm quá trình tác nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hướng tới lộ trình thực hiện bệnh án điện tử
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO