Bước tiến trong ứng dụng công nghệ số
Chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật không chỉ là xu hướng mà còn là nhiệm vụ cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý. Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Chuyển đổi số, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp), sau 10 năm vận hành, Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về pháp luật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tính đến 31.12.2024, hệ thống này đã cập nhật 145.067 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong đó, 44.361 văn bản do các cơ quan trung ương ban hành; 100.706 văn bản từ các cơ quan địa phương. Hệ thống thu hút 50.000 lượt truy cập mỗi ngày, phục vụ hiệu quả nhu cầu tra cứu của cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đồng thời, hơn 240 tài khoản cấp trung ương và 601 tài khoản cấp địa phương đang tham gia biên tập, cập nhật dữ liệu, giúp bảo đảm tính chính xác và minh bạch trong hệ thống văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành tư pháp đã triển khai nhiều nền tảng hỗ trợ pháp lý trực tuyến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của công dân. Đáng chú ý, ngày 5.2.2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật". Hệ thống cho phép cá nhân, tổ chức gửi phản ánh trực tiếp lên CSDLQG về pháp luật, đồng thời theo dõi tiến trình xử lý một cách minh bạch và hiệu quả.

Một bước tiến quan trọng khác là việc ứng dụng công nghệ số trong công chứng với cơ sở dữ liệu công chứng tập trung, hỗ trợ đăng ký và tra cứu hợp đồng công chứng trực tuyến. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đang được chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua các khóa học trực tuyến mở và việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống pháp điển điện tử để hỗ trợ tra cứu nhanh chóng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã đạt nhiều thành tựu, hệ thống CSDLQG về pháp luật vẫn còn hạn chế trong việc cập nhật dữ liệu một cách đồng bộ và nhanh chóng. Hiện nay, việc nhập liệu chủ yếu do các cơ quan quản lý thực hiện, đôi khi xảy ra tình trạng chậm trễ, thiếu nhất quán giữa các bộ, ngành và địa phương.
Ngoài ra, công cụ tra cứu văn bản vẫn còn nhiều hạn chế, chưa áp dụng các công nghệ tìm kiếm thông minh, chưa có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ truy vấn theo ngữ cảnh, khiến việc tìm kiếm thông tin pháp luật chưa thực sự tối ưu. Một vấn đề đáng quan tâm khác là hệ thống hiện nay chưa có công cụ tự động phân tích, phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng luật.
Việc tiếp nhận ý kiến từ người dân và doanh nghiệp cũng chưa đạt hiệu quả cao do chưa có nền tảng số hóa lấy ý kiến rộng rãi. Hệ thống phản ánh kiến nghị dù đã vận hành nhưng chưa phổ biến, thiếu các công cụ hỗ trợ tương tác trực tiếp như chatbot pháp lý hay nền tảng phân tích dữ liệu góp ý để giúp cơ quan quản lý dễ dàng tổng hợp, đánh giá ý kiến xã hội.
Một thách thức lớn hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao về cả công nghệ và pháp lý. Việc triển khai các giải pháp pháp luật số đòi hỏi đội ngũ cán bộ tư pháp phải có hiểu biết sâu về công nghệ thông tin, trong khi các cơ sở đào tạo pháp lý hiện nay chưa chú trọng nhiều đến kỹ năng công nghệ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Trước những thách thức hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc phụ trách Khối sản xuất, Công ty Hệ thống Thông tin FPT đề xuất, cần xây dựng nền tảng số pháp luật cho Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo hướng tích hợp AI và dữ liệu lớn (Big Data) để cải thiện khả năng tìm kiếm, tra cứu thông minh. Việc áp dụng AI sẽ giúp phát hiện các điểm chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất điều chỉnh và tự động cập nhật thông tin mới nhất.
Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng hệ thống lấy ý kiến công dân trực tuyến cũng rất cần thiết. Mô hình này có thể học hỏi từ nền tảng "Have-Your-Say" của Liên minh châu Âu (EU), nơi công dân có thể dễ dàng gửi góp ý về các dự thảo luật và theo dõi phản hồi từ cơ quan nhà nước. Một hệ thống chatbot pháp lý sử dụng AI cũng có thể giúp tư vấn pháp luật tự động, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác hơn.
Trong công tác soạn thảo văn bản pháp luật, theo các chuyên gia, cần phát triển công cụ hỗ trợ biên tập số theo mô hình của Hàn Quốc, cho phép nhiều người cùng chỉnh sửa, theo dõi và kiểm soát phiên bản văn bản pháp luật theo thời gian thực. Đây sẽ là giải pháp hữu ích giúp rút ngắn quy trình xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống văn bản.
Ngoài ra, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực cũng là một yếu tố quan trọng. Việc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về pháp luật số cho cán bộ tư pháp và công chức quản lý nhà nước là rất cần thiết. Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp), muốn chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực pháp luật, trước hết phải có đội ngũ nhân sự am hiểu công nghệ. Không thể áp dụng công nghệ hiệu quả nếu thiếu con người biết cách khai thác và sử dụng hiệu quả.
Theo các chuyên gia, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số.