Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở Tuyên Quang

Hướng tới hài hòa, đa dạng và bền vững

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:25 - Chia sẻ
Ghi nhận Tuyên Quang đã quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần tạo nên sự thống nhất, đa dạng văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị tỉnh tăng cường đầu tư phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Gìn giữ và phát huy đa dạng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Nguồn: Bvhttdl.gov.vn

Đa dạng văn hóa các dân tộc

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hôm 8.10, tỉnh có 22 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua bao thế hệ. Kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2013, toàn tỉnh có 425 di sản. Tỉnh đã hoàn thành Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020"; kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê lễ hội trên địa bàn tỉnh; lập 12 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đã có 10 di sản được ghi danh). Tỉnh cũng phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh có di sản then lập Hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang Âu Thị Mai cho biết, những năm qua, tỉnh đã nghiên cứu, phục dựng và duy trì một số lễ hội truyền thống của các dân tộc, như: Lễ hội Lồng tông, lễ hội Cầu may đình Hồng Thái, lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào của dân tộc Tày; lễ hội đình Như Xuyên, đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan; lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn... Năm 2019, tỉnh hoàn thành kiểm kê, phân loại các lễ hội đang được tổ chức (46 lễ hội, trong đó 42 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa).

Cũng theo bà Âu Thị Mai, với phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 47 nhà văn hóa xã, 505 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và công viên, hỗ trợ trên 500 bộ trang thiết bị cho nhà văn hóa xã, thôn, bản, tổ dân phố, tập trung vào xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí tỉnh bố trí đầu tư cho thiết chế văn hóa cơ sở là trên 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở vẫn còn hạn chế...

Nhấn mạnh lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch rất rộng, trong khi nguồn lực có hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Tuyên Quang tính toán, sắp xếp đầu tư phù hợp và hiệu quả; quy hoạch bài bản, làm rõ phần Nhà nước đầu tư, phần kêu gọi xã hội hóa, có cơ chế nào thu hút các thành phần xã hội tham gia.

Vì lợi ích cộng đồng

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng, phát triển văn hóa, con người văn hóa; quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chỉ ra, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, khả năng đầu tư hạn chế, nên chưa đáp ứng yêu cầu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa. Trăn trở về tính bền vững, chiều sâu của công tác văn hóa, ông Phan Viết Lượng đề nghị Tuyên Quang tiếp tục quan tâm đầu tư cho văn hóa, hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để tạo lan tỏa. 

"Đầu tư cho văn hóa cần lưu ý đến mục tiêu, cách thức, hướng tới phát triển cộng đồng, vì cộng đồng. Cần tạo điều kiện, phát huy vai trò, sự sáng tạo của người dân trong việc tham gia, đóng góp nguồn lực cho các hoạt động văn hóa cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương" - ông Phan Viết Lượng lưu ý.

Bên cạnh kiến nghị Tuyên Quang sớm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như Trung tâm văn hóa tỉnh, Sân vận động tỉnh... để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, Ủy viên thường trực Bùi Hoài Sơn đề xuất UBND tỉnh triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo Chiến lược quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tỉnh nên tập trung vào du lịch văn hóa, vì tỉnh có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này như di tích lịch sử; các khu du lịch Na Hang, Ba Bể; nền ẩm thực phong phú; có di sản hát then đã được UNESCO ghi danh... Từ phát triển du lịch văn hóa sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa.

Chủ tịch UBND Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Tuyên Quang có khát vọng trở thành địa phương phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Muốn làm được như vậy, ngoài kinh tế, văn hóa và các lĩnh khác đều được quan tâm toàn diện. Chúng tôi rất mong muốn được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục quan tâm, ủng hộ, để Tuyên Quang hiện thực hóa mục tiêu này”.

Ngọc Phương