Hướng tới chuẩn mực lao động quốc tế
Từ năm 1997, Việt Nam đã là thành viên của chùm Công ước về Phân biệt đối xử (trong việc làm và nghề nghiệp), 1958 (số 111); Công ước về Trả lương bình đẳng, 1951 (số 100). Chính vì thế, việc tổ chức nội luật hóa và tổ chức triển khai những cam kết đã được Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Nội luật hóa các cam kết
Nếu Công ước số 111 được xem là toàn diện nhất trong việc chống lại hành vi phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; thì Công ước số 100 theo đuổi mục tiêu bình đẳng giới trong phạm vi trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau.

Thực tế cho thấy, phân biệt đối xử không những là hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân mà còn ảnh hưởng nặng nề đến năng suất và hiệu quả lao động sản xuất, tạo ra một môi trường làm việc thiếu tính công bằng và cạnh tranh lành mạnh. Do đó, các nước thành viên đã cam kết tăng cường các chính sách quốc gia nhằm “Thúc đẩy sự bình đẳng về cơ may và đối xử trong việc làm - nghề nghiệp để nhằm hủy bỏ mọi sự phân biệt đối xử trong lao động; đồng thời các quốc gia buộc phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia và thúc đẩy các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa và giá trị của việc xóa bỏ phân biệt đối xử.
Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản liên quan đã nội luật hóa các cam kết này. Chẳng hạn, Bộ luật Lao động năm 2019 đã đưa ra khái niệm về phân biệt đối xử trong lao động: “Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình; tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp”. Như vậy, ngoài các yếu tố được quy định trong Công ước số 111, Bộ luật Lao động đã bổ sung các vấn đề về độ tuổi; thai sản; tình trạng hôn nhân; tín ngưỡng, khuyết tật; trách nhiệm gia đình; nhiễm HIV…
Nhằm bảo đảm tính tương thích với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động khẳng định người lao động có quyền “làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử”. Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm về quấy rối tình dục được đưa vào Bộ luật Lao động.
Cùng với những nỗ lực trong nội luật hóa các cam kết quốc tế thì Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của ILO nhằm thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm. Theo đó, các quốc gia đã lồng ghép các vấn đề về giới vào xúc tiến và tạo việc làm giúp nâng cao hiệu quả cho công tác tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững; và giảm thiểu đói nghèo. Những tiến bộ về gia tăng sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ đã và đang được diễn ra trên toàn thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa bình đẳng giới trong lao động việc làm thành hiện thực.
Tại Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Đáng quan tâm, phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương, và trong khu vực "vô hình" của nền kinh tế phi chính thức - họ làm giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong và làm việc trong ngành công nghiệp giải trí.
Vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế - xã hội xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội gán cho người phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và nền kinh tế thị trường.
Trước những tác động của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Theo đó, các bộ, ngành không chỉ triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm mà còn chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đó cũng chính là những mục tiêu cốt lõi của việc làm bền vững, việc làm xanh mà Tổ chức Lao động quốc tế đặt ra trong thời gian qua.
Xác định rõ mục tiêu
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam hướng tới nỗ lực chung vào việc tăng cường cơ hội của phụ nữ phát triển trong môi trường doanh nghiệp; ngăn chặn bóc lột lao động (di cư) trẻ em và phụ nữ; và tăng cường mức độ bình đẳng giới trong pháp luật lao động như cấm phân biệt đối xử trên mọi hình thức trực tiếp hay gián tiếp, và thúc đẩy bình đẳng thu nhập, phòng chống quấy rối tình dục và cân bằng độ tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ và nam giới.
Chương trình Hợp tác quốc gia Việt Nam và ILO giai đoạn 2022 - 2026 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam trải qua thời kỳ chuyển đổi quan trọng về kinh tế và xã hội. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 với mục tiêu phấn đấu để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang phải đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực của đời sống và của thế giới việc làm.
Chính vì thế, Chương trình đã xác định 3 ưu tiên quốc gia, bao gồm chú trọng vào tạo việc làm thỏa đáng; mở rộng phạm vi và mức độ đầy đủ của an sinh xã hội; và quản trị thị trường lao động tốt hơn thông qua việc thúc đẩy các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động và đối thoại xã hội. Đây là chương trình hợp tác lần thứ 4 của Việt Nam và ILO nhằm mở ra thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ và nam giới được tiếp cận việc làm thỏa đáng và hiệu suất cao trong điều kiện tự do, bình đẳng, được bảo đảm an ninh và nhân phẩm.
Có thể thấy để hướng tới việc làm bền vững cần bảo đảm việc làm bền vững, cần bảo đảm quyền tiền lương và an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống và cải thiện môi trường làm việc của người lao động. Để làm được điều này, cần sớm hoàn thiện một loạt các văn bản liên quan từ Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Vệ sinh an toàn lao động...
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 phải bảo đảm phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, hướng tới bao phủ toàn dân để thực hiện chính sách việc làm bền vững có an sinh xã hội và bảo đảm cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản đến hộ gia đình người lao động.
Đối với việc sửa đổi Luật Vệ sinh an toàn lao động thì cần nghiên cứu chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp trong tình hình mới (tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định); đồng thời xây dựng và hoàn thiện phương pháp xác định nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, gắn với các chỉ tiêu đánh giá điều kiện lao động trong xu thế hội nhập quốc tế.