Hướng tới bộ phận một cửa hiện đại

Phương Hiền 02/10/2022 06:38

Trước yêu cầu đổi mới, xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, đòi hỏi Hà Nội cần sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động của một bộ phận này, nhất là cơ sở vật chất.

Vẫn còn… chung máy tính

Tính đến ngày 30.6.2022, có tổng số 1.902 thủ tục hành chính, trong đó 1.543 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp thành phố, 249 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 110 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định.

Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho bộ phận 1 cửa
Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho bộ phận một cửa. Nguồn: ITN

Theo báo cáo của Văn phòng UBND thành phố, bên cạnh kết quả đạt được, bộ phận một cửa các cấp cũng còn nhiều khó khăn. Ngay diện tích bộ phận một cửa - nội dung được thành phố luôn đề cập trong các quy định và khuyến khích các đơn vị bố trí diện tích từ 40m2 đến 80m2 hoặc hơn, thì đến nay vẫn còn 70/627 bộ phận một cửa có diện tích dưới 40m2. Thậm chí bộ phận một cửa của UBND phường Đồng Xuân và Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm chỉ có 10m2; của các phường Cửa Đông, Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm và Sở Khoa học và Công nghệ (địa bàn quận Tây Hồ) chỉ có 15m2.   

Đến nay vẫn còn 39/627 bộ phận một cửa các cấp hiện chưa đáp ứng đủ yêu cầu mỗi cán bộ, công chức có 1 máy tính. Một số nơi vẫn còn tình trạng 2 người/1 máy tính như tại: Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh và một số xã thuộc các huyện Mê Linh, Thanh Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa...

Theo quan sát của phóng viên, chất lượng và khả năng vận hành của máy tính bộ phận một cửa nhiều nơi đã xuống cấp, vận hành chậm. Thậm chí tính năng kết nối mạng, kết nối các hệ thống phần mềm một cửa điện tử thành phố hay các hệ thống thông tin chuyên ngành tư pháp, xây dựng, lao động, thương binh và xã hội… kém hoặc không bảo đảm.

Hay, máy scan được xác định là thiết bị cần thiết và quan trọng trong quá trình thực hiện tiếp nhận hồ sơ hành chính, song vẫn còn 60/627 bộ phận một cửa chưa có máy scan cho cán bộ, công chức; có 400/627 bộ phận một cửa chưa có thiết bị lấy số tự động phục vụ việc lấy số, đăng ký thứ tự khi đến giao dịch, chưa kể tại các đơn vị đã bố trí cũng có tới 128 thiết bị lấy số tự động đã hỏng, không sử dụng được.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết việc vận hành, bảo trì, nâng cấp các thiết bị chưa có nguồn, thủ tục thực hiện còn rườm rà, đặc biệt là chưa có quy chế phân cấp, ủy quyền nên khi thiết bị hỏng thì việc sửa chữa rất vướng mắc. 

Gỡ khó cho bộ phận một cửa

Hiện, Văn phòng UBND thành phố đang xây dựng Dự thảo Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án dự kiến sẽ quy định thống nhất thực hiện chung trên toàn thành phố việc sử dụng bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung về màu sắc, kích cỡ, tên gọi trên các ứng dụng điện tử, ứng dụng văn phòng, ứng dụng nội, ngoại thất; Khẩu hiệu thống nhất là “Hành chính phục vụ” tại bộ phận một cửa các cấp và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố.   

Cụ thể, Dự thảo đã đề ra các điều kiện, tiêu chí cụ thể như, quy mô diện tích tối thiểu bộ phận một cửa đạt từ 40m2 trở lên; bảo đảm đủ 1 máy tính/1cán bộ, công chức, viên chức làm việc, có kết nối mạng và thông suốt; máy scan/1 máy tính đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ. Ngoài ra, các yêu cầu về máy photocopy, máy lấy số tự động… cũng bảo đảm 1 thiết bị/1 đơn vị. Dự thảo nêu rõ, các đơn vị phải ưu tiên bố trí các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá hài lòng, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, thành phố dự kiến nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức người lao động tại bộ phận một cửa phù hợp, bảo đảm việc hoàn thành nhiệm vụ tương xứng với năng suất lao động. Cụ thể, xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố về việc quy định về mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận (dự kiến mức hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng). Đồng thời, xây dựng Nghị quyết hoặc quy định về việc ưu tiên trong công tác luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc thực hiện đề án có phần thuận lợi khi đến thời điểm này, thành phố đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 39,17% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện. Hơn nữa, nhiều đơn vị triển khai sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước như: Mô hình “Ngày Thứ 6 xanh”, “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, “Các thủ tục hành chính không chờ” trong giải quyết thủ tục hành chính.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hướng tới bộ phận một cửa hiện đại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO