“Cú hích” mới cho phát triển bền vững
Du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh ra đời sau so với các loại hình du lịch khác song được đánh giá là những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra trải nghiệm thú vị cho du khách. Trên cơ sở khai thác những giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa tại cộng đồng loại hình du lịch này thu hút, thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.
Nhằm tạo động lực, bước đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng đáp ứng tiềm năng, xu thế du lịch trải nghiệm của khách du lịch, ngày 29.12.2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đây cũng được coi là “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng DTTS của tỉnh.
Mục tiêu của đề án là phát triển du lịch cộng đồng là bước đầu tiên hiện thực hóa khâu đột phá về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Ninh xây dựng 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững tại các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách; điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Tạo bước chuyển mạnh mẽ
Cụ thể hóa các mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương ưu tiên các nguồn lực xây dựng các đề án, dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, chú trọng, ưu tiên cho các dự án kết nối giao thông giữa điểm du lịch cộng đồng với các tuyến giao thông chính. Đồng thời, xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch cộng đồng như: Mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số và cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm văn hóa nông nghiệp, nông thôn, văn hóa biển, du lịch tâm linh; tiếp tục quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch…
Cùng với đó, hiện các địa phương đang tích cực xây dựng 4 mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số là: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái); làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn) và làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu).
Tại huyện Bình Liêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Ngọc Ngò cho biết: Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện và xã Lục Hồn, Húc Động tập trung thực hiện; bước đầu xây dựng mô hình mẫu về phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Xác định người dân phải là chủ thể, là động lực của chương trình, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn văn hóa thông qua việc bảo tồn nhà cổ, gìn giữ các lễ hội, văn hóa truyền thống từ trang phục, ẩm thực, nếp sinh hoạt, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tạo cảnh quan làng bản xanh, sạch, đẹp… Song cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của huyện, nhân dân, Bình Liêu rất cần có sự chung tay của doanh nghiệp, góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.