- Thưa ông, việc ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản có vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với ngành lâm nghiệp ?
PGS. TS Lý Tuấn Trường: Trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu sử dụng gỗ không ngừng gia tăng, kéo theo đó là sự cạnh tranh cả trong và ngoài nước ngày càng gay gắt thì việc ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản ngày càng trở nên cấp thiết trước những thách thức lớn từ yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường.
Theo đó, việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tự động hóa, tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm chi phí và tiết kiệm nguyên liệu, mà còn nâng cao chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, ứng dụng hệ thống kết nối vạn vật (IoT), quản lý năng lượng thông minh sẽ giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, công nghệ cao không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển bền vững, thích ứng với các biến động của thị trường.
- Cụ thể, với việc ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản đưa lại những lợi ích như thế nào, thưa ông ?
PGS. TS Lý Tuấn Trường: Công nghệ cao trong chế biến gỗ bao gồm hàng loạt các công nghệ hiện đại, từ các hệ thống máy móc tự động hóa đến các phần mềm quản lý và kiểm soát quy trình sản xuất. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ đưa lại được những lợi ích: Thứ nhất, giúp nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình sản xuất, từ cắt xẻ, gia công đến hoàn thiện sản phẩm, máy móc và robot có thể hoạt động liên tục, giảm thiểu thời gian ngừng sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công, từ đó năng suất sẽ nâng cao rõ rệt.
Thứ 2, ứng dụng công nghệ cao có thể tăng cao độ chính xác gia công sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp. Với các công nghệ CNC, robot và các hệ thống tự động hóa, công nghệ cao sẽ giúp quá trình gia công gỗ chính xác, ổn định, giảm thiểu lỗi và đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao mà sản phẩm xuất khẩu yêu cầu.
Thứ 3, nhờ ứng dụng công nghệ cao như công nghệ quét 3D, các phần mềm CAD/CAM và trí tuệ nhân tạo (AI) không những giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu hao hụt và lãng phí gỗ mà còn hỗ trợ tốt cho quá trình tính toán để tái chế, tái sử dụng phế liệu và các sản phẩm gỗ dư thừa. Công nghệ cao có thể giảm thiểu lượng phát thải CO₂, xử lý khí thải và nước thải, bảo vệ môi trường xung quanh. Hệ thống quản lý năng lượng thông minh cũng có thể tối ưu hóa sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ứng dụng công nghệ cao còn giúp theo dõi nguồn gốc của gỗ, đảm bảo nguyên liệu có nguồn gốc bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.
Thứ 4, ứng dụng công nghệ cao có thể đáp ứng tốt nhu cầu cá tính hóa, đa dạng hóa của thị trường. Công nghệ cao như in 3D, VR và AR cho phép khách hàng tham gia vào quá trình thiết kế và lựa chọn sản phẩm nội thất theo ý muốn, giúp sản phẩm cá tính hóa hơn và phù hợp với các nhu cầu riêng biệt. Các hệ thống quản lý thông minh dựa trên IoT và Big Data không những giúp doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện các dịch vụ từ thiết kế đến sản xuất mà còn giúp phân tích xu hướng thị trường và dự báo nhu cầu, từ đó tối ưu hóa sản xuất và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.
Thứ 5, ứng dụng công nghệ cao sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản. Kéo theo, đó là ngành chế biến gỗ và lâm sản không chỉ có thể tăng trưởng bứt phá mà còn dần phát triển đội ngũ lao động có chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc và đón đầu các xu hướng công nghệ mới.
- Theo ông, những thách thức khi ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản là gì?
PGS. TS Lý Tuấn Trường: Việc ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản tại Việt Nam đem lại nhiều lợi ích, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, song thực hiện ứng dụng và đổi mới công nghệ cũng gặp không ít thách thức. Cụ thể:
Thứ 1, chi phí đầu tư cao. Vì hầu hết các công nghệ cao như máy CNC, robot, máy quét laser và các phần mềm quản lý đều đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn. Điều này là một thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm phần lớn trong ngành chế biến gỗ tại Việt Nam.
Thứ 2, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Để vận hành và khai thác hiệu quả công nghệ cao, cần có đội ngũ kỹ thuật viên và quản lý am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ ở Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực tự động hóa, IoT và quản lý thông minh.
Thứ 3, hạn chế về cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng: Mặc dù Việt Nam đang có sự cải thiện về hạ tầng, nhưng ở nhiều địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng hỗ trợ ngành chế biến gỗ còn thiếu và yếu. Điều này ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng công nghệ cao hiệu quả.
Thứ 4, rủi ro về bảo trì và chi phí vận hành: Các thiết bị công nghệ cao đòi hỏi bảo trì thường xuyên để đảm bảo hiệu suất. Chi phí bảo trì và sửa chữa cao cùng với thiếu hụt các chuyên gia kỹ thuật làm tăng khó khăn trong việc duy trì hệ thống công nghệ.
Thứ 5, sự biến động của thị trường và quy định quốc tế: Việc xuất khẩu sản phẩm gỗ ngày càng phải tuân thủ các quy định khắt khe về nguồn gốc, tiêu chuẩn môi trường và lao động, đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ để theo dõi và kiểm soát nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất. Điều này tạo áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong ngành.
- Vậy để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản, theo ông cần có các giải pháp nào?
PGS. TS Lý Tuấn Trường: Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chế biến gỗ và lâm sản tại Việt Nam, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản về chi phí, nhân lực và hạ tầng. Theo đó, cần có các giải pháp cụ thể:
Thứ 1, hỗ trợ tài chính và chính sách từ nhà nước Chính sách ưu đãi thuế và tín dụng: Nhà nước có thể áp dụng các chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao và khuyến khích vay vốn với lãi suất ưu đãi. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư công nghệ cho ngành chế biến gỗ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư các thiết bị và công nghệ hiện đại. Hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp với các tổ chức nghiên cứu và trường đại học để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước.
Thứ 2, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao: Xây dựng các chương trình đào tạo, huấn luyện ngắn và dài hạn nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho nhân sự trong ngành.
Thứ 3, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất. Thành lập các khu công nghiệp chuyên về chế biến gỗ với cơ sở vật chất hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Thứ 4, thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng hệ thống quản lý thông minh: Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất (ERP, MES) và phần mềm kiểm soát chất lượng (QMS) để số hóa toàn bộ quy trình sản xuất, giúp tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu sai sót. Xây dựng hệ thống IoT và dữ liệu lớn (Big Data): Khai thác IoT và dữ liệu lớn để giám sát các thông số sản xuất, từ đó tối ưu hóa quy trình và dự báo nhu cầu thị trường. Ứng dụng AI và Machine Learning: Tận dụng AI để phân tích dữ liệu sản xuất và đưa ra các quyết định tối ưu, dự báo nhu cầu, điều chỉnh sản lượng và giảm thiểu lãng phí.
Thứ 5, tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi công nghệ. Tham gia các triển lãm và hội chợ công nghệ quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ mới, từ đó lựa chọn các giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như FAO, UNIDO để nhận các gói hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện năng lực công nghệ và nâng cao tính cạnh tranh.
Thứ 6, nâng cao nhận thức và tạo động lực đổi mới công nghệ. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về lợi ích của công nghệ cao, giúp các doanh nghiệp và nhân viên nhận thức rõ hơn về vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng. Đưa ra các chương trình khen thưởng cho những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng công nghệ cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành.
Xin cảm ơn ông !