Hướng đi bền vững ứng phó với già hóa dân số

Thanh Điểu 28/12/2024 12:19

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo thống kê năm 2023, Việt Nam có khoảng 13,94 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 13,9% dân số. Theo dự báo, đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và vào năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm tới 25% dân số, tức là cứ 4 người dân thì có 1 người cao tuổi. Đây là một thực tế đặt ra nhiều thách thức lớn trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi.

Nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Trước thực trạng già hóa dân số, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, thể hiện qua việc ban hành Luật Người cao tuổi, các thông tư hướng dẫn chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, cùng với Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13.10.2022. Chương trình này đặc biệt chú trọng việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và khuyến khích hợp tác, học tập kinh nghiệm quốc tế từ những quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này, điển hình như Nhật Bản.

2.jpg
Người cao tuổi đến khám sức khỏe tại Trạm y tế xã. Ảnh: Nhàn Lê

Trong giai đoạn 2022 - 2024, Dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số áp dụng mô hình Tsuyama" đã được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa. Dự án là kết quả hợp tác giữa JICA Nhật Bản, JICA Việt Nam, thành phố Tsuyama và tổ chức phúc lợi xã hội Yasuaragi. Đây là bước tiếp nối thành công giai đoạn 2017 - 2021, hướng đến mục tiêu tăng cường hệ thống ứng phó với già hóa dân số tại Việt Nam thông qua triển khai các bài thể dục tránh ngã, nhằm giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh tật phát sinh.

Dự án tập trung thí điểm tại 6 xã, phường, thị trấn, bao gồm Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội), Trường Sơn (huyện An Lão, Hải Phòng), Thụy Liên (huyện Thái Thụy, Thái Bình), Thanh Miếu (TP. Việt Trì, Phú Thọ) và Rừng Thông (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Thông qua các hoạt động như tổ chức tập huấn, phổ biến các bài tập thể dục, dự án đã góp phần hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng.

Theo đánh giá, các hoạt động của dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ tại 5 tỉnh/thành phố, giúp cải thiện sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ té ngã và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt, các bài thể dục tránh ngã theo mô hình Nhật Bản không chỉ giúp người cao tuổi rèn luyện thể chất mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Triển khai đồng bộ và hiệu quả

Theo Cục Dân số, năm 2024 đã tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Cụ thể, tỷ lệ người cao tuổi khám sức khỏe ước tính tăng 8,4% so với 2023. Tuy nhiên, dự kiến cả năm 2024, không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao là tăng 11% so với năm 2023.

Nguyên nhân không đạt là về kinh phí để triển khai hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi còn nhiều bất cập như chưa bố trí kinh phí; bố trí nhưng ít, không đủ để thực hiện cho tất cả đối tượng người cao tuổi; có kinh phí nhưng chưa ghi chưa rõ nội dung, định mức chi nên không thể thực hiện hoặc lúng túng trong việc sử dụng nguồn kinh phí (ngân sách địa phương thực hiện chi thường xuyên và ngân sách từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

4.jpg
Người cao tuổi đến khám sức khỏe tại Trạm y tế xã. Ảnh: Nhàn Lê

Bên cạnh đó, một số địa phương còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao trạm y tế triển khai hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất; hạn chế trong quản lý, phối hợp với cơ sở y tế tuyến trên. Người cao tuổi cũng chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, kiến thức và kỹ năng phòng bệnh và nâng cao sức khỏe còn hạn chế.

Nhận thức của người dân về chăm sóc người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh số lượng và tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh. Người cao tuổi chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, kiến thức và kỹ năng phòng bệnh và nâng cao sức khỏe còn hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đầy đủ và chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Nhằm bảo đảm các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được thực hiện đồng bộ và hiệu quả tại tất cả các địa phương, lãnh đạo Cục Dân số cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và đôn đốc các địa phương triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

Cục Dân số sẽ xây dựng và triển khai hoạt động tập huấn nhằm hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng báo cáo kết quả thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi, theo các quy định và hướng dẫn hiện hành. Ngoài ra, cũng sẽ có hướng dẫn về việc xây dựng Đề án Thí điểm mô hình cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày và các hoạt động dự phòng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số tại một số tỉnh, thành phố.

Cục cũng sẽ giám sát triển khai thí điểm mô hình ICOPE (giới thiệu về các phương pháp thích hợp ở cộng đồng để phát hiện và quản lý các sụt giảm quan trọng về khả năng thể chất và tinh thần của người cao tuổi) tại các xã: Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội), Ngô Quyền (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) và Liên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Mô hình này sẽ giúp đánh giá hiệu quả của các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Cục Dân số sẽ triển khai các hoạt động thuộc Dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số" tại 5 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa. Dự án này sẽ áp dụng mô hình Tsuyama của Nhật Bản, nhằm tăng cường khả năng dự phòng và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hướng đi bền vững ứng phó với già hóa dân số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO