Hướng đến tương lai cùng Shinawatra 2
Shinawatra đã trở lại. Nhưng không phải cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra mà là em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, lãnh đạo đảng Puea Thai (Vì nước Thái) sau khi đảng này giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3.7 - cuộc bầu cử tái định hình bức tranh chính trị vốn bị rạn nứt của vương quốc này. Kết quả kiểm phiếu cho thấy người dân Thái Lan một lần nữa lại trao cho dòng họ Shinawatra cơ hội giữ chiếc ghế Thủ tướng của đất nước Chùa Vàng.
![]() Những người ủng hộ bà Yingluck Shinawatra ăn mừng chiến thắng |
Nguồn: AP |
Tổng tuyển cử hôm Chủ nhật tại Thái Lan là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau cuộc bạo động đường phố năm 2010, được xem là bước đi quan trọng để định hướng tương lai đất nước và đưa Thái Lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn nửa thập kỷ qua. Một ngày sau bầu cử, Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết toàn bộ số phiếu bầu đã được kiểm, theo đó đảng Puea Thai đối lập giành 265 trong tổng số 500 ghế nghị sỹ Hạ viện, bỏ xa đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva chỉ giành được 159 ghế. Các đảng khác gồm Bhum Jai Thai được 34 ghế, đảng Chart Thai Pattana được 19 ghế. Bảy đảng nhỏ khác chia nhau 23 ghế còn lại. Với kết quả trên, đảng Puea Thai chiếm đa số ghế tại Hạ viện Thái Lan, có quyền đứng ra thành lập chính phủ và mở đường cho bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan kể từ khi nước này chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến cách đây 79 năm.
Chiến thắng vang dội của Puea Thái đánh dấu sự quay trở lại đáng chú ý của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006, kéo theo nhiều năm hỗn loạn ở Thái Lan, và đặc biệt là sự thăng tiến nhanh chóng của em gái ông, bà Yingluck, nữ thủ tướng tương lai của xứ Chùa Vàng.
Cuộc bầu cử này, và những gì xảy ra tiếp theo, được coi là cuộc thử nghiệm lớn về khả năng phục hồi của Thái Lan từ cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Bà Yingluck đã chuẩn bị để lãnh đạo đất nước. Bà cho biết đảng của bà đang xem xét thành lập một liên minh với đảng Chart Thai Pattana và các đảng nhỏ hơn để xúc tiến thành lập chính phủ mới. Nữ doanh nhân 44 tuổi và mới bước chân vào chính trường này tuyên bố “người dân đã cho tôi một cơ hội và tôi sẽ làm việc hết sức mình cho dân tộc”. Tuy nhiên, bà sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước, từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hàn gắn những chia rẽ xã hội, cho đến việc tìm cách chung sống hòa bình với lực lượng quân đội đầy quyền lực- vốn được coi là ẩn số lớn nhất trong xã hội Thái Lan, và kể cả việc làm thế nào để sớm đưa cựu Thủ tướng Thaksin trở về nước.
Mặc dù Puea Thai giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội, song việc đưa các đảng khác vào chính phủ sẽ giúp Puea Thai củng cố vị thế trong cơ quan lập pháp và có thể khiến các tướng lĩnh khó biện minh hơn cho việc nắm giữ quyền lực. Cựu chỉ huy quân đội Sonthi Boonyaratglin - người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ ông Thaksin năm 2006 - đã bác bỏ khả năng xảy ra một hành động can thiệp mới của quân đội. Phát biểu trên tờ “Bưu điện Băng Cốc”, ông này tuyên bố ông không nghĩ sẽ xảy ra một cuộc đảo chính “vì tiếng nói của người dân cần phải được tôn trọng”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm, Tướng Prawit Wongsuwon, cho biết quân đội Thái Lan công nhận kết quả bầu cử và khẳng định quân đội sẽ không can dự. Vấn đề then chốt đối với quân đội hiện nay là liệu chính phủ có tìm cách đưa ra các biện pháp pháp lý hoặc các biện pháp khác để chống lại các tướng lĩnh về vụ đàn áp đẫm máu hồi năm ngoái nhằm vào các cuộc biểu tình của phe đối lập, khiến hơn 90 người thiệt mạng hay không. Báo “Dân tộc” bình luận cuộc bầu cử đã kết thúc nhưng lòng thù hận vẫn tồn tại ở Thái Lan, vì thế đã đến lúc người dân Thái Lan phải thống nhất và tự hòa giải.
Một số chuyên gia phân tích nhận định chiến thắng của Puea Thai có thể mở ra một thời kỳ ổn định chính trị tối cần thiết cho Thái Lan sau 6 năm bất ổn kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ. Cơ hội để gây cản trở Puea Thai trong thời gian tới là cực kỳ hạn chế. Việc Puea Thai giành đa số thuyết phục sẽ làm giảm khả năng quân đội can thiệp và khiến đảng này dễ thành lập chính phủ và thực thi các chính sách của mình hơn. Tình trạng bất ổn mà mọi người vẫn lo ngại dường như ít có khả năng xảy ra. Quân đội hiện sẽ phải thực tế hơn.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng bất ổn chính trị và chia rẽ xã hội ở Thái Lan không thể sớm giải quyết trong một sớm một chiều. Chiến thắng áp đảo trong bầu cử mới chỉ là bước đầu, Puea Thai và bà Yingluck sắp tới sẽ vấp phải sự chống đối của phe áo vàng và một bộ phận tướng lĩnh quân đội - vốn coi họ là “nhân bản” hay “cánh tay nối dài” của cựu Thủ tướng Thaksin. Vì thế, sau cuộc bầu cử diễn ra yên ổn, chính trường Thái Lan vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường và nhất cử nhất động của quân đội và phe chống Thaksin sẽ được theo dõi sát sao.