PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Hướng đến tăng trưởng cao và phát triển bền vững

- Thứ Hai, 04/10/2021, 06:26 - Chia sẻ
Để tiếp tục phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST), chính sách về lĩnh vực này cần chuyển dịch theo hướng hỗ trợ ĐMST và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; khắc phục các điểm yếu của hệ thống ĐMST Quốc gia để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới; tăng cường cải cách thể chế điều phối chính sách ĐMST; ưu tiên nâng cao năng lực doanh nghiệp để thúc đẩy tiếp cận công nghệ mới;…
Kinh nghiệm quốc tế về công cụ hỗ trợ phát triển năng lực và công nghệ của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quốc tế về công cụ hỗ trợ phát triển năng lực và công nghệ của doanh nghiệp.

Nhiều dư địa cho tăng cường đổi mới sáng tạo

Thông tin trên đưa ra trong “Báo cáo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”. Báo cáo do Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Thế giới (NHTG) xây dựng và đã đưa ra một số gợi ý để Việt Nam xây dựng các chính sách KHCN và ĐMST phù hợp với tình hình hiện tại, theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp.

Theo báo cáo, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - lực lượng chiếm  98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 đội ngũ lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các DNNVV còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ, mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ.

Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) - gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng. Có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch Covid-19.

Cải cách 4 trụ cột để phát triển

Báo cáo đã đưa ra 4 trụ cột, các lĩnh vực cần được cải cách khi định hình chiến lược KHCN và ĐMST mới theo hướng thúc đẩy ĐMST và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp. Cụ thể, Chiến lược KHCN và ĐMST, thiết kế chính sách và triển khai - trụ cột 1; phía cầu - trụ cột 2 (hỗ trợ nâng cấp năng lực doanh nghiệp, giải quyết điểm yếu của môi trường pháp lý, cải thiện tài trợ đổi mới/khởi nghiệp, mở rộng hạ tầng và kết nối số); phía cung - trụ cột 3 (thúc đẩy liên kết viện - trường - doanh nghiệp, cải thiện thiếu hụt về kỹ năng); tăng cường cải cách thể chế để điều phối chính sách ĐMST - trụ cột 4.

Cũng theo báo cáo, khung chính sách KHCN và ĐMST cần chuyển dịch theo hướng hỗ trợ ĐMST và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; đầu tư xây dựng năng lực của chính phủ trong thiết kế và thực thi chính sách ĐMST. Đồng thời, cần khắc phục các điểm yếu của Hệ thống ĐMST quốc gia để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới; tăng cường cải cách thể chế điều phối chính sách ĐMST;…

Báo cáo khuyến nghị, thời điểm Chính phủ chuẩn bị chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược KHCN và ĐMST giai đoạn 2021 - 2030 - là thời điểm thích hợp để định hình lại quỹ đạo phát triển đất nước theo mô hình dựa trên ĐMST. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia đã chuyển sang mô hình này. Đồng thời xác định việc nâng cao năng lực doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tiếp cận công nghệ mới. Năng lực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cải thiện ĐMST và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việc ứng dụng thành công công nghệ mới không chỉ là việc mua máy móc, thiết bị mà phải tích hợp đầy đủ máy móc, thiết bị đó vào quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Để hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp, Việt Nam có thể tham khảo mô hình của một số nước như Hàn Quốc, Colombia, Chile,… Các quốc gia đã triển khai thành công nhiều công cụ chính sách để tăng cường năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động ĐMST phi R&D; kết quả này ngược lại cũng thúc đẩy việc tiếp nhận và hấp thu công nghệ. Một mặt, các chính phủ muốn tăng cường nâng cấp công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách xây dựng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tri thức về cách áp dụng các công nghệ mới. Mặt khác, các chính phủ cũng mong muốn chuyển giao và thương mại hóa công nghệ mới từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công. Nhiều công cụ có thể được sử dụng trực tiếp để trang bị cho doanh nghiệp năng lực sử dụng và/hoặc tạo ra công nghệ như các dịch vụ tư vấn kinh doanh (BAS), dịch vụ đổi mới công nghệ (TES), trung tâm công nghệ và văn phòng chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, để cải thiện môi trường hoạt động và các yếu tố bổ trợ khác cần tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường tiếp cận tài chính cho ĐMST và khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho ĐMST; tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ cho phép sử dụng công nghệ mới để thích ứng với các mô hình kinh doanh mới;…

Để thực hiện trọng tâm chiến lược về ĐMST trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách ĐMST. Cần tái định hướng khung chính sách KHCN và ĐMST ở tầm chiến lược, chuyển từ quan điểm tập trung cho hoạt động tạo ra các sản phẩm KHCN và ĐMST dựa trên R&D sang thúc đẩy ĐMST phi R&D và phổ biến các công nghệ mới. Sự chuyển hướng chiến lược này dẫn tới các thay đổi quan trọng về thể chế.

Linh Chi