Hướng đến người nghèo

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:48 - Chia sẻ
Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt nhưng các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh. “Đây là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Ninh...” - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân đánh giá.
Đảm bảo duy trì hoạt động Điểm giao dịch xã
Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tích cực triển khai ứng dụng giáo dục tài chính

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, thời gian qua, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, triển khai cài đặt ứng dụng giáo dục tài chính (GDTC) cho người dân. Đây là giải pháp nhằm giúp bà con tiếp cận thông tin về tài chính, chính sách vay vốn và các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH thông qua ứng dụng trên điện thoại; đồng thời cũng là cách giúp bà con bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc, việc triển khai phổ biến ứng dụng GDTC trên điện thoại đến khách hàng được coi là mũi nhọn đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh, nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán tại ngân hàng, một số mô hình vay vốn điển hình và kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Bên cạnh đó, ứng dụng GDTC còn giúp người dân nâng cao hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng, tài chính và phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, nhất là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng gồm 4 phần về các thông tin chung về NHCSXH Việt Nam, dịch vụ và ưu đãi của các chương trình tín dụng chính sách, GDTC cá nhân và mô hình hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.

Hiện tại, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã triển khai ứng dụng GDTC đến 45 hội, đoàn thể cấp xã, 208 Tổ Tiết kiệm và vay vốn và nhiều khách hàng khác trên địa bàn và được bà con hưởng ứng. Chị Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh cho biết, các nội dung của ứng dụng đã hỗ trợ cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như khách hàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, chính xác; giúp công tác quản lý tốt hơn và khách hàng không những biết cách tiếp cận mà còn có thể giám sát, thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.

Đặc biệt, đối với ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Hoành Vinh, xã An Ninh thì ứng dụng đã giúp ông cũng như nhiều thành viên khác trong thôn hiểu được cách tính toán, thu chi, biết cách tính lãi suất tiền vay và lịch trả nợ...

Tổng dư nợ quý I tăng

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, hỗ trợ dịch vụ, quý I.2021, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được quan tâm thường xuyên. Công tác bình xét đối tượng vay vốn được bảo đảm đúng quy trình, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tính đến ngày 31.3, tổng dư nợ NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt 344.395 triệu đồng, tăng so với đầu năm 7.298 triệu đồng, với gần 8.000 hộ gia đình còn dư nợ, bình quân dư nợ 43,8 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn 311 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09%/ tổng dư­ nợ, so với cuối năm 2020 nợ quá hạn giảm 19,7 triệu đồng. Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 24.693 triệu đồng, với 619 lượt khách hàng vay vốn, trong đó một số chương trình có doanh số cho vay lớn như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với 5.847 triệu đồng, chiếm 23,8%, với 295 lượt khách hàng vay vốn; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 2.990 triệu đồng, chiếm 12,2%, với 60 lượt hộ vay; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 2.093 triệu đồng, chiếm 8,5%, với 88 lượt hộ vay; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 7.799 triệu đồng, chiếm 31,7%, với 179 lượt hộ vay… Bên cạnh đó, trong quý I.2021, nguồn vốn ngân sách địa phương cấp huyện chuyển sang NHCSXH theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư đạt 2.985 triệu đồng, tăng 900 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch; 15/15 điểm giao dịch xã thị trấn trên địa bàn với 208 Tổ Tiết kiệm và vay vốn được duy trì và bảo đảm hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quý I.2021, hoạt động của NHCSXH huyện Quảng Ninh vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Giám đốc Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, chất lượng tín dụng tại một số xã chưa thật sự ổn định; tình trạng chuyển nợ quá hạn sau phiên giao dịch xã vẫn xảy ra; nhiều hộ vay vốn bỏ đi khỏi địa phương nhưng vẫn chưa xác định được nơi cư trú để thu hồi vốn; lãi tồn đọng trên địa bàn một số xã còn cao chủ yếu là ở các chương trình đã hết thời gian gia hạn như cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167, vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ, vốn cho vay giải quyết việc làm quá ít trong khi nhu cầu vay vốn rất lớn…

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại trên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lê Ngọc Huân đề nghị, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, các tổ chức hội đoàn thể, NHCSXH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Tập trung rà soát, sắp xếp hồ sơ, kiện toàn và chấn chỉnh hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng, nợ quá hạn; công tác huy động vốn dân cư cần được triển khai mạnh hơn nữa, đặc biệt luôn bám sát hoạt động sử dụng vốn vay của bà con để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Box: Trong quý I.2021, công tác huy động vốn đạt 61.971 triệu đồng, tăng 3.215 triệu đồng so với năm 2020. Trong đó, huy động từ các tổ chức, cá nhân đạt 41.710 triệu đồng, tăng 1.873 triệu đồng; huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt 20.261 triệu đồng, tăng 1.342 triệu đồng.

Bình Nhi