Bình Dương

Hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:19 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Bình Dương vừa qua đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại

Theo đó, mục tiêu tổng quát được xác định là: Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của Nhân dân. Phấn đấu ổn định và tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo 3 nền tảng hướng đến mục tiêu 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu: Phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 85%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 99%; tỷ lệ độ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm duy trì ở mức 57,5%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%...

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết của HĐND tỉnh nhấn mạnh một số giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ…

NGUYỄN NHẬT