Hướng đến một Trung Quốc số hóa

- Thứ Năm, 08/04/2021, 06:26 - Chia sẻ
Không ai biết đại dịch sẽ kết thúc khi nào và như thế nào. Tuy nhiên, trong thế giới hậu Covid-19, một điều chắc chắn là quá trình số hóa đang được tăng tốc nhanh chóng, và Trung Quốc đã và đang đón đầu xu hướng này.

Phát triển nền kinh tế kỹ thuật số

Theo Japan Times, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 đã đưa đến sự thay đổi quyền lực đáng kể đầu tiên từ Mỹ sang Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể là cú huých thứ hai của xu hướng này. Bởi trong năm 2020 khi các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, bao gồm cả Mỹ phải vật lộn trước đà sụt giảm kinh tế thì Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có tốc độ tăng trưởng dương. Điều đó giúp Bắc Kinh ngày càng tự tin về khả năng cạnh tranh với cường quốc số một thế giới.

Nguồn: ITN

Ngày 5.3, tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố các mục tiêu chính cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 với trọng tâm là tăng cường phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Kế hoạch nhằm đẩy nhanh sự phát triển của số hóa và xây dựng một “Trung Quốc kỹ thuật số”.

Thực tế, Trung Quốc đã và đang sử dụng đầy đủ công nghệ kỹ thuật số để đối phó với đại dịch Covid-19. Trong khi một số quốc gia triển khai các ứng dụng theo dõi tiếp xúc để hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2, chẳng hạn như TraceTogether ở Singapore hay COCOA ở Nhật Bản, thì Trung Quốc đã triển khai ứng dụng Health Code (Mã y tế) để kiểm soát hoạt động đi lại của công dân ngay sau khi dịch bệnh bùng phát.

Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là chứng nhận vaccine kỹ thuật số. Ngày 8.3, Trung Quốc đã ra mắt hộ chiếu vaccine kỹ thuật số thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat và thanh toán di động của hãng Tencent. Chứng nhận số hiển thị thời điểm và loại vaccine mà người dùng đã tiêm, cũng như kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính của họ.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỏ ra thận trọng đối với hộ chiếu vaccine. Tổ chức này cho rằng “các cơ quan quản lý quốc gia và nhà điều hành vận chuyển không nên đưa ra yêu cầu về bằng chứng tiêm chủng Covid-19 cho các chuyến bay quốc tế như một điều kiện để khởi hành hoặc nhập cảnh” vì vẫn còn nhiều ẩn số quan trọng liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng đối với việc làm giảm lây nhiễm.

Hiện nay, sốt vàng da là căn bệnh duy nhất được đề cập trong Quy định Y tế quốc tế của WHO, khuôn khổ pháp lý về các trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng, cho phép các quốc gia yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng cho du khách quốc tế. Bằng chứng trên được gọi là Thẻ vàng (bằng giấy), bản chất không phải là hộ chiếu. Du khách phải mang theo cả hộ chiếu và thẻ vàng, nếu được yêu cầu.

Bất chấp cảnh báo của WHO, Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa hộ chiếu vaccine. Thực ra, trước Trung Quốc, trên thế giới đã có nhiều sáng kiến tương tự. Diễn đàn Kinh tế Thế giới và liên minh các ngành công nghiệp du lịch đã và đang phát triển một chứng nhận có tên là CommonPass, trong khi Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế phát hành tài liệu gọi là IATA Travel Pass. Và Trung Quốc đang nỗ lực để không bị tụt hậu trong phát triển chứng nhận vaccine kỹ thuật số.

Đối thủ đáng gờm của đồng USD

Việc kiểm soát Covid-19 không phải lĩnh vực duy nhất Trung Quốc hướng tới để dẫn đầu thế giới. Trong kỷ nguyên hậu đại dịch, đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương (CBDC) của các nước phát hành sẽ là lĩnh vực cạnh tranh toàn cầu tiếp theo.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của đồng tiền kỹ thuật số từ 2014. Đến tháng 1.2020, PBoC thông báo, thiết kế cơ bản của đồng tiền kỹ thuật số cùng các tiêu chuẩn ngành và các tính năng chính đã được hoàn thành.

Các chương trình thí điểm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được tiến hành ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, bắt đầu ở Thâm Quyến trước khi chuyển đến Tô Châu, Thành Đô, Hùng An và gần đây là Thượng Hải. Tháng 1.2021, Bệnh viện Tongren, Thượng Hải đã lần đầu tiên ra mắt loại thẻ vật lý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Nhân viên y tế của bệnh viện có thể sử dụng thẻ này để thanh toán chi phí sinh hoạt, đi lại, mua sắm, dịch vụ nhà hàng và nhiều loại hình dịch vụ công khác.

Quyết tâm của Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số thể hiện ở việc nước này dự định sẽ áp dụng hệ thống thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Ngoài ra, khi tiền giấy giả ngày một tràn lan, Trung Quốc lo ngại dòng vốn chảy ra thông qua tiền mã hóa. Ngân hàng Trung ương rất có thể nhận thấy lợi thế đáng kể trong việc thu thập lượng lớn dữ liệu giao dịch và giám sát các khoản thanh toán trong nước và xuyên biên giới thông qua hệ thống nhân dân tệ kỹ thuật số được quản lý bởi mã nhận dạng duy nhất.

Trung Quốc hiện cũng đang dẫn đầu trong việc trở thành một xã hội không tiền mặt. 4 trong số 5 khoản thanh toán hiện nay được thực hiện qua WeChat Pay của Tencent hoặc Alipay của Alibaba. Hai dịch vụ thanh toán này chiếm tới 94% ngành thanh toán di động tại Trung Quốc và có hơn 1 tỷ người dùng mỗi dịch vụ.

Ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc Nhóm G7 đang theo dõi rất sát tác động tiềm tàng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đối với hiệu quả các chính sách tiền tệ truyền thống của họ, ở dạng tiền tệ fiat (tiền pháp định), chẳng hạn như đồng USD. Trong giới tài chính của các nước G7, đồng USD vẫn được công nhận là đồng tiền dự trữ thống trị của thế giới. Các tổ chức tài chính ở đây cho rằng, quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ không có nhiều tiến triển, Trung Quốc khó có thể đưa đồng nội tệ của mình phát triển ra bên ngoài, và do đó, chế độ tiền tệ dự trữ USD sẽ được giữ vững.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích phương Tây vẫn nhận định, có hai lý do khiến đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể soán ngôi đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của nền kinh tế toàn cầu.

Thứ nhất, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể trở thành nền tảng chung cho các CBDC, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Trung Quốc có vô số công nghệ và kỹ sư để biến CBDC thành hiện thực với sự tiện lợi vượt trội và giao diện người dùng tốt. Do quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đã bị đình trệ, nhiều khả năng Trung Quốc đang cố gắng thiết lập hệ thống tiền tệ dự trữ dựa trên Nhân dân tệ thông qua chiến lược đi tắt đón đầu bằng cách sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Thứ hai, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể trở thành tiêu chuẩn quốc tế cho CBDC. Trung Quốc đã hạn chế quảng bá  Kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) ra bên ngoài và đã bắt đầu xây dựng “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (China Standard 2035).

Cho đến nay, đồng nhân dân tệ vẫn chưa mạnh trên thế giới với tư cách là đồng tiền dự trữ. Hướng tới tiêu chuẩn hóa nền tảng CBDC, Chính phủ Trung Quốc có thể tiến hành một số bước, bao gồm: Phát triển công nghệ; thí nghiệm trình diễn; tích lũy bằng sáng chế; và lôi kéo sự tham gia của các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế và Liên minh Viễn thông quốc tế.

Kể từ khi bắt đầu bùng phát Covid-19 trong nước, Trung Quốc đã tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu lớn để kiểm soát đại dịch. Đất nước gấu trúc đang cố gắng đi đầu trong việc tiêu chuẩn hóa chứng nhận vaccine kỹ thuật số. Và trong kỷ nguyên hậu Covid-19, sự phát triển của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể thực sự thách thức chế độ tiền tệ quốc tế dựa trên đồng USD.

Ngọc Minh