Hướng dẫn rõ hơn về tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe người ứng cử

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 05:40 - Chia sẻ

Liên quan đến công tác nhân sự, tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội cần có tiêu chí cụ thể hơn, bảo đảm sát với tình hình thực tế ở địa phương; cần có cơ chế phù hợp để các địa phương được tham gia ý kiến trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nhìn từ kinh nghiệm thực tế chuẩn bị nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, dù đã được chỉ đạo và hướng dẫn thường xuyên nhưng công tác chuẩn bị về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ở một số xã còn chủ quan, chưa bảo đảm số dư, thiếu chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng ứng cử viên dẫn đến tình trạng có 4 xã sau hiệp thương lần 3 phải giảm số đại biểu được bầu (giảm 5 đại biểu) do không bảo đảm số dư theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, cần chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về nhân sự, quán triệt quan điểm công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp có mối quan hệ mật thiết, mang tính tổng thể, liên thông và có tính kế thừa; cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử phù hợp đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu, nâng cao chất lượng đại biểu, có số dư đúng luật. Công tác hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử bảo đảm đúng dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần; làm tốt công tác lập danh sách ứng cử viên theo đơn vị bầu cử bảo đảm được cơ cấu về số đại biểu được bầu, tính đại diện của các lĩnh vực, các tầng lớp, sự bình đẳng, khách quan đối với các ứng cử viên. 

Theo Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND phù hợp với các văn bản luật khác và tình hình thực tế hiện nay. Trong đó, quy định cụ thể hơn về hồ sơ của người ứng cử là đảng viên để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác bầu cử, có quy định cụ thể thành phần chủ trì và thành phần tham dự các hội nghị giới thiệu người ứng cử, nhất là ở các cơ quan đảng.

Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội cũng đề nghị, quy định rõ hơn việc tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trước hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách người ứng cử theo hướng: nếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác dưới 50% thì không tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú và không đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ 3 (hiện nay mới quy định không đưa vào danh sách hiệp thương lần 3 đối với trường hợp tín nhiệm của cử tri nơi cư trú dưới 50% - PV). Ngoài ra, cần quy định cơ quan nào có thẩm quyền cho rút đơn ứng cử trong trường hợp người ứng cử có đơn xin rút không ứng cử và trong trường hợp đã đồng ý cho rút đơn ứng cử thì không tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú.

Nguyễn Bình