Hướng dẫn mức đóng bảo hiểm mới

Thái Yến 12/07/2024 11:42

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Điện Biên vừa ban hành Thông báo số 1324/TB-BHXH hướng dẫn mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho các cơ quan, đơn vị, cơ quan quản lý người chỉ tham gia BHYT, các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1.7. 2024 như sau:

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổ chức chính trị - xã hội  quy định tại Điều 2, Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024 của Chính phủ thì mức tiền lương cơ sở làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 2.340.000 đồng/tháng.

Đối với người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo hợp đồng lao động quy định tại Điều 2, Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ - BNN tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (vùng III) thì mức lương tối thiểu tháng (đồng) là 3.860.000 đồng; mức đóng BHTN tối đa/tháng là 77.200.000 đồng và tại địa bàn các huyện, thị xã còn lại (vùng IV) thì mức lương tối thiểu tháng là 3.450.000 đồng; mức đóng BHTN tối đa/tháng là 69.000.000 đồng.

Ban hành Thông báo thay đổi về mức đóng bảo hiểm -0
Thay đổi mức đóng bảo hiểm từ ngày 1.7. Ảnh: BH

Riêng mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTNLĐ-BNN cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở là 46.800.000 đồng/tháng.

Về mức đóng BHXH tự nguyện, mức thu nhập hàng tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu không thay đổi bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng; mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở điều chỉnh tăng lên là 46.800.000 đồng (trước đó là 36.000.000 đồng).

Về mức đóng đối với người chỉ tham gia BHYT, mức đóng theo tháng: 2.340.000 đồng x 4,5% = 105.300 đồng/tháng; Mức đóng theo năm: 2.340.000 đồng x 4,5% x 12 tháng = 1.263.600 đồng/năm.

Do đó, mức đóng của từng thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT hộ gia đình lần lượt là:

Người thứ nhất (2.340.000 đồng x 4,5% x 12 tháng) là 1.263.600 đồng; người thứ 2 (đóng bằng 70% của người thứ nhất) là 884.520 đồng; người thứ 3 (đóng bằng 60% của người thứ nhất) là 758.160 đồng; người thứ 4 (đóng bằng 50% của người thứ nhất) là 631.800 đồng. Từ người thứ 5 trở đi (đóng bằng 40% của người thứ nhất) là 505.440 đồng.

Về mức đóng BHYT học sinh, sinh viên và mức đóng BHYT hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình lần lượt sau khi có hỗ trợ của ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ 30% + ngân sách nhà nước tỉnh hỗ trợ 20%) như sau: 3 tháng: là 157.950 đồng; 6 tháng là 315.900 đồng; 9 tháng là 473.850 đồng; 12 tháng là 631.800 đồng.

Riêng mức đóng BHYT người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; người tham gia đóng 30%: 1.263.600 x 30% = 379.080 đồng/năm (70% đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ).

Đáng chú ý, khi Chính phủ điều chỉnh mức đóng, tỷ lệ đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần tiền chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hướng dẫn mức đóng bảo hiểm mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO