Hướng dẫn cụ thể trách nhiệm, quyền hạn
Bộ luật Dân sự 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm, bao gồm bảo lãnh, cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, tín chấp và cầm giữ tài sản. Như vậy, so với Bộ luật Dân sự 2005, BLDS 2015 đã bổ sung 2 biện pháp bảo đảm là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản. Tuy nhiên, đến nay Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm vẫn chưa có sự bổ sung, sửa đổi cần thiết. Điều này khiến cho các bên liên quan, nhất là các tổ chức tín dụng khó bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo pháp luật dân sự, cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Như vậy, đặc điểm quan trọng của biện pháp này là quyền chiếm giữ tài sản của bên đang nắm giữ tài sản. Hiệu lực đối kháng của biện pháp cầm giữ tài sản phát sinh kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế việc chứng minh được hiệu lực đối kháng của bên nào phát sinh trước, bên nào được bảo vệ và có quyền ưu tiên thanh toán trước là rất khó, nhất là đối với tài sản đang gửi tại kho của bên thứ 3 hoặc tài sản là phương tiện giao thông vận tải hoặc tài sản khi giao dịch không có giấy tờ, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Trong khi đó pháp luật về giao dịch bảo đảm lại chưa có hướng dẫn cụ thể về biện pháp bảo đảm này.
Liên quan đến quyền bảo lưu, Điều 331, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Quy định này nhằm hướng tới bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên bán trong giao dịch, khi đã giao hàng mà chưa nhận được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán có thể đang là tài sản của hợp đồng thế chấp hoặc khoản phải thu của bên bán đang là đối tượng của hợp đồng thế chấp mà các tổ chức tín dụng không có thông tin, vì các bên khi mua bán đã thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu lập thành văn bản riêng chứ không được ghi nhận trong hợp đồng mua bán. Như vậy, pháp luật dân sự đã bổ sung biện pháp bảo đảm nhưng lại chưa dữ liệu hết được các sự kiện pháp lý có thể xảy ra và văn bản pháp luật chuyên ngành thì không kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và các tổ chức tín dụng thì để quy định trên đi vào thực tế, cần hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên tham gia vào giao dịch bảo đảm, cụ thể trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng pháp lý của tài sản, trạng thái và các hạn chế của tài sản bảo đảm (tài sản có đang bị cầm giữ không, có bị bảo lưu quyền truy đòi không...) cũng như trách nhiệm phối hợp của các bên trong việc xử lý tài sản.