Mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế

Hướng dẫn càng cụ thể càng tốt

- Thứ Tư, 13/10/2021, 07:20 - Chia sẻ
Hiện, nhiều địa phương đang dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Theo đại diện doanh nghiệp, để hỗ trợ kinh tế phục hồi, các hướng dẫn mở cửa cần cụ thể, bảo đảm thống nhất trong thực hiện.

Doanh nghiệp vẫn dè dặt

Công ty San Hà chuyên về thực phẩm gia cầm, với 4 nhà máy sản xuất và các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An cùng chuỗi 35 cửa hàng thực phẩm tiện lợi SanHaFoodstore tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An.

Trước dịch, công ty có tổng cộng trên 1.500 lao động, trong đó 800 lao động thuộc lĩnh vực sản xuất. Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp vẫn được hoạt động “3 tại chỗ” ở các nhà máy sản xuất, giảm bớt số lượng nhân viên khối văn phòng, tăng cường làm việc tại nhà, liên tục test nhanh để tầm soát F0… Chuỗi cửa hàng cũng đã hoạt động rất hiệu quả trong việc cung cấp nguồn lương thực đến người dân. Tuy vậy, hoạt động “hầu như chỉ mang tính chất cầm cự” bởi gặp rất nhiều khó khăn như các chi phí phát sinh liên quan phòng dịch, thị trường tiêu thụ giảm mạnh…,  Phó tổng giám đốc Nguyễn Doãn San xác nhận.

Doanh nghiệp kỳ vọng việc sớm mở cửa trở lại giúp hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn

Nguồn ITN

Trong bối cảnh đó, việc TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dần mở cửa các hoạt động kinh tế được doanh nghiệp rất kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc. Hiện, 80% người lao động trong khối sản xuất của Công ty San Hà đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Với các khối còn lại, công nhân viên đã tiêm xong 2 mũi hoặc là F0 đã hết bệnh quay trở lại, sẵn sàng cho việc tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ, test nhanh sàng lọc (doanh nghiệp tự làm và chịu trách nhiệm), đồng thời diễn tập các tình huống giả định trong trường hợp có F0.

Đáng chú ý, từ ngày 4.10, TP. Hồ Chí Minh chính thức cho phép người lao động có thể sử dụng xe cá nhân (ô tô, xe máy) di chuyển qua lại giữa thành phố và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh với điều kiện đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi hoặc F0 đã khỏi bệnh. Với quyết định này sẽ giải tỏa áp lực thiếu lao động cho nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, ông San cho rằng, nếu các địa phương mở cửa không thống nhất, việc đi lại của người lao động gặp khó khăn sẽ rất bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tương tự, tại Công ty CP Dầu nhớt và Hóa chất Miền Nam (MiennamPetro) cũng đã nhanh chóng nhập cuộc với việc mở cửa trở lại. Tổng giám đốc Nguyễn Minh Tâm cho biết, ngay trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ” với 30% trong tổng số gần 200 lao động được tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp đã lên các phương án bảo đảm sản xuất an toàn với nhiều biện pháp đồng bộ như: Test nhanh định kỳ theo quy định; động viên, khích lệ người lao động yên tâm sản xuất tại chỗ khi hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng, bảo đảm chỗ nghỉ như khách sạn và chế độ ăn 4 bữa như các chuyên gia, đồng thời cung cấp thực phẩm định kỳ cho người nhà người lao động.

Đặc biệt, công ty xác định điều quan trọng nhất là phải chăm lo, giữ chân những lao động không tham gia “3 tại chỗ” để họ an tâm ở lại địa phương. Theo đó, công ty đã hỗ trợ 100% lương cơ bản hàng tháng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kết hợp địa phương tiêm ngừa 2 mũi vaccine. Với sự chuẩn bị chủ động và tích cực này, lãnh đạo công ty tin tưởng sẽ vừa bảo đảm an toàn phòng dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh Phạm Phú Trường, gần 2.000 doanh nghiệp hội viên đều đã sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại. Tuy vậy, các doanh nghiệp đang rất hồi hộp, vẫn còn dè dặt do chưa rõ định hướng cụ thể của các địa phương.

Sớm ban hành Hướng dẫn Thích ứng an toàn với Covid-19 với những quy định cụ thể, thống nhất sẽ đẩy nhanh việc mở cửa nền kinh tế
Nguồn: TTXVN

Nhân rộng mô hình mở cửa hiệu quả

Việc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình khôi phục kinh tế. Song, muốn tận dụng tốt cơ hội, cần sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, đặc biệt là cần sớm ban hành Hướng dẫn Thích ứng an toàn với Covid-19.  

Theo ông Phạm Phú Trường, trong bối cảnh ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, cần khoanh vùng đỏ hẹp nhất có thể nếu xuất hiện ca F0. Hướng dẫn Thích ứng an toàn với Covid-19 cần bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phải triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước, tránh tình trạng cùng bảo đảm tiêu chí an toàn nhưng doanh nghiệp ở địa phương này được hoạt động còn địa phương khác lại không.

“Nên đổi tên thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, trong đó có sự tham gia của các bộ chuyên ngành về kinh tế như kinh nghiệm của Singapore. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng cần đánh giá, nhân rộng kinh nghiệm của các địa phương mở cửa trở lại có hiệu quả”, ông Trường đề xuất.

Ông Nguyễn Doãn San bổ sung, trong bối cảnh việc mở cửa theo hướng dần dần, nên cho phép doanh nghiệp tự chủ động trong công tác xét nghiệm và điều trị ca bệnh. Các hướng dẫn, thủ tục càng rõ ràng càng tốt; chính sách hỗ trợ về thuế, ngân hàng, bảo hiểm lao động… cần đến sớm với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, “cơ quan quản lý cần tin tưởng sự cam kết phòng chống dịch của các doanh nghiệp, người dân, từ đó có những nới lỏng giãn cách phù hợp đồng thời sớm tiêm vaccine mũi 2 cho toàn bộ người lao động để doanh nghiệp yên tâm thực hiện mục tiêu kép”, ông Nguyễn Minh Tâm đề xuất.

Về phía các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các nguyên tắc chống dịch. Đồng thời, cần tìm thêm nhiều phương án để chủ động đối phó với các sự cố, lên phương án cách ly F0, truy vết F1… Đặc biệt, vai trò của các hiệp hội cũng cần được phát huy, kịp thời nắm bắt quy định, hướng dẫn của chính quyền để tư vấn, hỗ trợ hội viên.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều qua (2.9), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, để hỗ trợ khôi phục kinh tế cần bảo đảm 3 yếu tố: Doanh nghiệp không bị “đóng băng” mà phải được hoạt động; lực lượng lao động phải được dịch chuyển một cách an toàn để đi làm, hàng hóa phải được lưu thông, gồm cả hàng hóa đầu vào và đầu ra.

Minh Châu