Hưng Yên chủ động xử lý rác thải nông thôn

KHÁNH DUY 22/09/2017 08:30

Hiện tại, hơn 40% lượng rác thải sinh hoạt tại nông thôn của Hưng Yên chưa được thu gom, xử lý triệt để, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Khắc phục tình trạng này, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, phát triển các mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt tại các huyện.

Mô hình xử lý rác tại gia

Theo Đề án Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý. 50% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia dình. Đồng thời, lắp đặt 10 lò đốt rác thải sinh hoạt tại các huyện. Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo Sở TN - MT Hưng Yên, lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh trên địa bàn trung bình khoảng 387,7 tấn/ngày. Hiện nay, chỉ gần 60% lượng rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý, chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp tại thôn, xã, khu xử lý chất thải Đại Đồng (Văn Lâm) và một phần tại các hộ gia đình. Toàn tỉnh hiện có hơn 400 thôn có bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải. Hơn 800 thôn, khu dân cư đã thành lập được tổ, đội vệ sinh môi trường. Năm 2017, dự kiến tổng kinh phí huy động dành cho bảo vệ môi trường nông thôn toàn tỉnh Hưng Yên đạt gần 300 tỷ đồng, trong đó trên 178 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước các cấp, gần 54 tỷ đồng vốn doanh nghiệp và trên 67 tỷ đồng từ đóng góp của người dân.

Hiệu quả hơn cả trong xử lý rác thải nông thôn ở Hưng Yên chính là mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Mô hình này đem lại lợi ích kép nhờ giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Tại xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, có gần 200 gia đình tham gia. Các gia đình được hỗ trợ nắp đậy hố rác và chế phẩm vi sinh. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực; người dân ở các khu dân cư đã có ý thức tốt hơn trong bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng.

Phân loại xử lý rác thải rắn tại khu vực nông thôn tỉnh Hưng Yên Ảnh: Việt Long
Phân loại xử lý rác thải rắn tại khu vực nông thôn tỉnh Hưng Yên                                 Ảnh: Việt Long

Xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, có nghề chăn nuôi phát triển mạnh, lượng rác thải hộ gia đình rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường đang là nỗi lo của nhân dân. Khi Dự án phân loại và xử lý rác thải tại gia đình được triển khai, nhân dân rất phấn khởi hưởng ứng. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Tảo Lê Hồng Giang, việc xử lý rác thải tại gia đình đã giúp mỗi hộ giảm khoảng 70% lượng rác xả ra môi trường, vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ đã cơ bản được cải thiện.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên Lê Đức Lành cho biết: Thành công của mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình là ý thức trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng cao; nhân dân đã xử lý rác tại nguồn, góp phần giảm vận chuyển và xử lý rác; đồng thời có nguồn phân hữu cơ tốt chăm bón cho cây trồng, rất phù hợp ở khu vực nông thôn. Đến nay, Hưng Yên đã có hơn 21.000 hộ thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác sinh hoạt tại gia đình, với phương thức xây thùng ngầm, hoặc sử dụng thùng nhựa chuyên dụng.

Triển khai tổng hợp các biện pháp

Hiện tại, hơn 40% rác thải sinh hoạt nông thôn trong tỉnh chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý. Không khó để bắt gặp những bãi rác di động cạnh các con đường lớn; người dân một số địa phương đóng rác thải thành bao ném xuống sông. Đường làng trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt, nhất là những đoạn đường thưa vắng người qua lại. Đặc biệt, ven Quốc lộ 5 và 39 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang trong tình trạng ngập rác thải công nghiệp lẫn rác thải sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở TN - MT Trần Đăng Anh thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nông thôn chưa được xử lý dứt điểm. Đó là, đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường ở cấp xã còn mỏng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao; hầu hềt các xã chưa bố trí được quỹ đất đề làm ao, hồ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung bằng công nghệ sinh học. Mặt khác, công tác quản lý vận hành các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, các điểm tập kết rác thải chưa tốt; xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp vẫn là chủ yếu, gây tốn kém về quỹ đất và sự cố về môi trường; ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, còn hiện tượng đổ rác thải không đúng nơi quy định.

Để giải quyết những khó khăn đặt ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng cho biết, tỉnh sẽ triển khai tổng hợp các biện pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Phó Giám đốc Sở TN - MT Trần Đăng Anh cho biết thêm, Sở sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, về phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường. Tiếp tục hỗ trợ các huyện thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; lắp đặt lò đốt rác thải tại xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào); nhân rộng mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô liên xã, huyện. Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, đẩy mạnh vận động các hộ đào hố xử lý rác thải. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hưng Yên chủ động xử lý rác thải nông thôn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO