Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy; Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách, Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Đại Thắng; các đại biểu HĐND tỉnh và đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND cấp huyện trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến nhấn mạnh: HĐND và đại biểu HĐND các cấp luôn có vị trí, vai trò quan trọng và trách nhiệm rất lớn trước cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, khối lượng và áp lực công việc của HĐND, đại biểu HĐND các cấp ngày càng lớn hơn. Chính vì vậy, việc được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là nhu cầu tự thân của mỗi đại biểu dân cử.
Lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ đại biểu HĐND tỉnh Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND cấp huyện năm 2023 là cơ hội để các đại biểu được tiếp cận với những nội dung mang tính chuyên sâu nhất là quy trình, cách thức và những lưu ý khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Để hội nghị thành công tốt đẹp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ các chuyên đề; tập trung lắng nghe, ghi chép đầy đủ các nội dung trình bày của các báo cáo viên; tích cực trao đổi, thảo luận với tinh thần thật sự cầu thị, nắm bắt các vấn đề thật chắc, thật kỹ để sau khi hội nghị, mỗi đại biểu có thể áp dụng ngay những kiến thức, những hiểu biết đã được trao đổi, truyền đạt vào thực tiễn hoạt động của mình nhằm đưa vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động của HĐND các cấp nói chung và hoạt động của đại biểu HĐND nói riêng ngày càng được nâng lên.
Tại hội nghị, trong chuyên đề “Nâng cao vai trò HĐND trong việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, các đại biểu đã được Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Đậu Anh Tuấn giới thiệu về tổng quan về chỉ số PCI và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các vấn đề, như: chuyển đổi tư duy về môi trường kinh doanh; đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh; tổng quan về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Qua đó cho thấy, chỉ số PCI cũng như một bức tranh đầy đủ về môi trường kinh doanh của mỗi địa phương bao gồm các thông tin về môi trường đầu tư hay chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện như thế nào. Những thông tin này đóng vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định đầu tư kinh doanh ở địa phương. Đây cũng là thông tin hữu ích để lãnh đạo các địa phương xác định lĩnh vực và cách thức để thực hiện biện pháp cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Cũng theo Báo cáo viên, một địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt theo PCI là tỉnh mà đáp ứng được tiêu chíchi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; thời gian thanh tra, kiểm tra, thực hiện các qui định và thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường hoạt động kinh doanh cạnh tranh bình đẳng; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh luôn được công khai; chính quyền tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và chất lượng cao. Chính sách đào tạo và môi trường làm việc cho lao động tốt. Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được vấn đề an ninh trật
Ở góc tiếp cận khác trong chuyên đề “Nâng cao vai trò HĐND trong việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện Trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đã trình bày nội dung “Đổi mới chiến lược phát triển và nâng cao chất lượng quản trị địa phương ở Hưng Yên - Cơ hội mới và làm thế nào để thay đổi”.
Để làm rõ được câu hỏi nêu trên, báo cáo viên đã giúp các đại biểu nhận thức được mối quan hệ chiến lược và chất lượng quản trị địa phương. Phân tích rõ những bối cảnh cũng như cơ hội để cải thiện chất lượng quản trị trên địa bàn. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của HĐND tỉnh với chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh. Vai trò đó được thể hiện tốt nhất là thông qua giám sát chỉ số đo lường; chất vấn theo các chỉ báo của từng chỉ số; ban hành các nghị quyết cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số; các nghị quyết về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Về giải pháp, báo cáo viên cho rằng, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục tăng cường tính minh bạch, trọng tâm là thường xuyên thông tin tới doanh nghiệp những thay đổi, điểm mới trong cơ chế, chính sách của tỉnh; số hóa, đồng bộ hóa, cơ sở dữ liệu... Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp; cắt giảm các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính; tập huấn, đào tạo kỹ năng ứng xử của cán bộ, công chức…
Hội nghị diễn từ ngày 28 - 29.9, ngoài các chuyên đề nêu trên đại biểu tham dự sẽ được các Báo cáo viên có kiến thức sâu rộng, nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động dân cử giới thiệu, truyền đạt và trao đổi với các đại biểu các chuyên đề bao gồm: giới thiệu Nghị quyết 594/NQ- UBTVQH15 ngày 12.09.2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND; giới thiệu quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; HĐND trong ban hành các biện pháp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và chuyên đề kỹ năng thảo luận, tranh luận và chất vấn của đại biểu HĐND….