Hun đúc lòng tin - bài học sống còn

- Thứ Năm, 30/04/2020, 08:43 - Chia sẻ
Ngày nay, xây dựng, hun đúc lòng tin vẫn là bài học sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tin vào ai? Tin vào bản lĩnh chính trị và hành động của Đảng, Nhà nước; tin vào đội ngũ cán bộ kiên trung của Đảng mà đỉnh cao sẽ là cuộc sàng lọc trí tuệ từ Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Vỡ òa hạnh phúc ngày vui đại thắng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là vào giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất ở miền Trung. Theo sử liệu thời kỳ này, một mặt, đế quốc Mỹ thực thi chiến lược. “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng đội quân viễn chinh Mỹ và lính đánh thuê tiến hành các cuộc càn quét, hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực ta. Mặt khác, dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định nông thôn, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng. Sau khi bị giáng đòn quyết định trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Tuy vậy, chúng không từ bỏ dã tâm xâm lược, chuyển sang tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng người Việt đánh người Việt, kết hợp đánh phá dữ dội bằng không quân và pháo binh của hải quân Mỹ, thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc.


Anh hùng LLVTND Trần Hữu Thủy (bên phải) và Anh hùng LLVTND Trương Hữu Quốc thời kỳ chống Mỹ  - Nguyên đại biểu HĐND tỉnh Bình - Trị - Thiên những năm đầu thập niên 80 Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu
Quê tôi là vùng chiến sự giáp ranh địch - ta, ban ngày do chính quyền ngụy - cái gọi là “Chính phủ quốc gia” kiểm soát; chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, dựng hàng rào dây kẽm gai nhiều lớp bao bọc các làng mạc, hòng tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Vào ban đêm, lực lượng du kích và chính quyền cách mạng hoạt động, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Bác Hồ, của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi không thể nào quên những năm tháng ác liệt đó trong ký ức tuổi thơ, khi không đêm nào là không có tiếng súng nổ và sự hy sinh; hàng trăm du kích, cán bộ ta đã bị địch phục kích sát hại. Ác liệt, hiểm nguy là thế nhưng những cán bộ kháng chiến của ta vẫn bám trụ kiên cường. Lòng dân vẫn luôn hướng về cách mạng, vẫn tìm mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, nuôi giấu, chở che, bảo vệ cán bộ cách mạng, du kích và bộ đội; không khuất phục trước sự đe dọa, tra tấn, đàn áp, kiểm soát gắt gao của kẻ địch; vững một niềm tin chờ đến ngày chiến thắng.

Rồi ngày đó cũng đã đến. Sau thắng lợi của Cuộc tấn công và nổi dậy Xuân - Hè năm 1972, tỉnh Quảng Trị và một vùng rộng lớn khu vực miền Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên được giải phóng. Không lâu sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân vỡ òa hạnh phúc trong ngày vui thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Nhờ có dân mới còn mình, mới có mình

Chính quyền cách mạng ở các địa phương miền Nam được thành lập. Phần đông thành viên các UBND cách mạng lúc bấy giờ tôi biết là những du kích, cán bộ hoạt động nằm vùng năm xưa, hay những người yêu nước đã từng chứng kiến và trải qua cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của dân tộc. Tuy họ chưa được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức lý luận chính trị bằng bây giờ, nhưng giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh đã cho họ hiểu rất sâu sắc một điều rằng: Nhờ có dân chở che mình mới được sống, nhờ có dân mới còn mình, mới có mình, nhờ có dân mới có thắng lợi ngày hôm nay.

Vì vậy, điều họ nghĩ và làm trước tiên là chính quyền phải biết ơn dân, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, làm công bộc của dân đúng nghĩa. Họ cũng luôn ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, cho dù cuộc sống nhiều cán bộ cách mạng bước ra từ trong chiến tranh vẫn chưa thể no đủ, nếu chưa nói là còn chật vật, vì họ cũng phải tiếp tục vừa cống hiến, vừa mưu sinh trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn. Nhưng hầu hết họ đều là những con người liêm chính, chí công vô tư, được nhân dân và thế hệ chúng tôi hết sức tôn kính, coi đó là tấm gương sống để noi theo. Cũng không thấy họ tỏ ra so bì, ganh tị với lớp cán bộ đi sau khi thấy cuộc sống những người này hơn mình. Bởi vì họ nghĩ “con hơn cha là nhà có phúc”, họ chiến đấu, hy sinh cũng vì mục tiêu đất nước hòa bình, phát triển đi lên, người dân có cuộc sống ngày càng sung sướng, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, họ luôn có cảm quan của những con người chân chính, sớm nhận biết và cảnh báo đối với những dạng cán bộ sa ngã, biến chất, có dấu hiệu không trong sáng.

Thật đáng tiếc khi có không ít cán bộ, đảng viên kiêu ngạo, bỏ ngoài tai hoặc chỉ tiếp thu chiếu lệ những lời cảnh báo đó của lớp tiền bối. Trong số đó, có những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đương chức hoặc nghỉ hưu, từ cán bộ tốt đã biến thành các “quan cách mạng”, tha hóa, bất liêm, liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Họ đã không vượt qua được lằn ranh mong manh trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" - mà lằn ranh đó “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII). Hệ quả là nhiều cán bộ sai phạm bị truy tố hoặc đang đứng dưới “thanh bảo kiếm” của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là cái giá phải trả cho những ai sớm quên đi điều sơ đẳng nhất mà lớp cha anh đi trước truyền lại: Nhờ có dân mới có mình.

Vẫn luôn có một niềm tin

Một trong những nhân tố cơ bản nhất làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 là nhờ sức mạnh cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc - Đó là sức mạnh niềm tin. Một khi lòng dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn; mỗi khi Đảng tin dân, dựa vào dân thì không có trở lực nào cản nổi, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Ngày nay, xây dựng, hun đúc lòng tin vẫn là bài học sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tin vào ai? Tin vào bản lĩnh chính trị và hành động của Đảng, Nhà nước; tin vào đội ngũ cán bộ kiên trung của Đảng mà đỉnh cao sẽ là cuộc sàng lọc trí tuệ từ Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; từ cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (dự kiến vào giữa năm sau). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài”. “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

Thực vậy, Đảng ta đã và đang hành động rất quyết liệt để đối đầu với thách thức của nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và các tiêu cực khác đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của chế độ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta chắc hẳn còn nhớ cách đây 8 năm, tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI (10.2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc hội nghị đã thay mặt Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đến Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII (10.2017), với những quyết sách cứng rắn, không có vùng cấm, Tổng Bí thư và Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân "Đấu tranh, phòng chống tham nhũng không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà thành một phong trào, một xu thế, làm có bài bản". Chỉ tính từ năm 2016 - 2019, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử; thi hành kỷ luật hàng chục nghìn cấp ủy viên và đảng viên sai phạm, trong đó, có 93 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng). Điều đó cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, vượt qua cái điều gọi là “đâu sẽ vào đấy” như tiền lệ lâu nay; góp phần hun đúc, cũng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.

Phải thừa nhận, trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hôm nay, có những lúc niềm tin của xã hội bị lung lay, thách thức. Nhưng hãy bình tĩnh mà suy xét, có cuộc chiến nào mà không phải chịu mất mát, hy sinh? Điều cốt lõi và minh chứng trong thời kỳ cam go, khó khăn nhất, nhân dân vẫn luôn có một niềm tin tất thắng vào Đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện - một đảng mà “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
ThS. Nguyễn Vân Hậu