Huế và ước nguyện hồi sinh “Kinh đô áo dài”

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:03 - Chia sẻ
Huế từng là cái nôi và kinh đô áo dài của Việt Nam. Ngày nay, chiếc áo dài thướt tha vẫn gắn liền với đời sống thường nhật của người dân xứ Huế. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô áo dài” để phát huy, bảo tồn, tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hình ảnh áo dài Việt Nam trong lễ hội đường phố tại Festival Huế

Cái nôi của áo dài Việt Nam

Không khó để bắt gặp hình ảnh nữ sinh Huế trong tà áo dài trắng đến trường, nữ cán bộ công sở mặc áo dài vào ngày đầu tuần, hay các bà các mẹ trong bộ áo dài ở các ngày lễ, sự kiện quan trọng từ gia đình cho đến xã hội. Còn với nhiều du khách phương xa, đến Huế phải chụp được tấm hình lưu niệm trong trang phục áo dài hay đặt may áo dài cho mình hoặc làm quà đem về cho người thân, bè bạn.

Có thể nói, áo dài là nét đẹp truyền thống gắn liền với đời sống của người Huế nói riêng và cả nước nói chung. Lần theo lịch sử, sự ra đời và tồn tại đến ngày nay của áo dài là một hành trình thú vị.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, trích dẫn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rằng, vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra lệnh: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở”. Ngoài ra, trong Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục có ghi trang phục dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát được quy định “nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi là quần áo chít từ đây”.

Theo ông Hoa, áo dài được ra đời, trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong từ thời điểm đó. Đến thời Minh Mạng, vua đã ra chiếu yêu cầu dùng trang phục áo dài được sản sinh ở vùng kinh thành Phú Xuân thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài.

Đồng tình với nguồn gốc ra đời của áo dài như giải thích ở trên, GS. TS. Thái Kim Lan (chủ nhân nhiều bộ sưu tập áo dài xưa, từng là giảng viên môn triết học đối chiếu tại Munich, Đức) cho rằng việc này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định áo dài là quốc phục, đại diện cho cả một dân tộc về vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, trải qua thời gian, áo dài ít nhiều biến đổi, mỗi lần như thế đều có nét đẹp riêng. “Nhưng với cá nhân tôi, tôi vẫn thích giữ chiếc áo dài đúng cung cách truyền thống. Do vậy, tôi mong Huế khôi phục, giữ được giá trị của chiếc áo dài truyền thống”, GS. TS. Thái Kim Lan tâm sự.

Phụ nữ Huế trong trang phục áo dài

Thương hiệu văn hóa

Những năm gần đây, nhiều cơ quan nhà nước ở Huế đã hưởng ứng mặc áo dài truyền thống như là cách ủng hộ việc hướng đến hồi sinh kinh đô áo dài. Từ năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế đã triển khai cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc vào thứ hai đầu tháng.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế, việc triển khai mặc áo dài chủ yếu áp dụng cho cán bộ, nhân viên làm việc ở bộ phận văn phòng, hành chính, tại cơ quan. “Việc nhân viên Sở Văn hóa - Thể thao mặc áo dài nhằm nhắc nhở cho thế hệ sau không quên trang phục truyền thống của dân tộc, vừa là tiên phong quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam. Nhiều quốc gia cũng đang khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống khi đi làm, như Malaysia, Indonesia...”.

Xác định giá trị quan trọng của áo dài, TS. Phan Thanh Hải cho biết, cuối tháng 8.2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô áo dài”. Nhiệm vụ chính của đề cương đề án là hướng đến nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế. Ngoài ra, xây dựng các chương trình, hoạt động, video clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về áo dài Huế và tổ chức Ngày hội áo dài Huế định kỳ hằng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế, tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô áo dài”.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo áo dài Huế phát triển; hình thành Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài. Trong tương lai, tính đến xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

TS. Phan Thanh Hải cũng khẳng định, việc xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản.

MINH AN