Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc

Hợp thành sức mạnh tổng thể, từng bước đưa du lịch vượt khó

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 06:29 - Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch vùng là giải pháp hiệu quả nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, quảng bá du lịch các địa phương, góp phần xây dựng thị trường du lịch trong nước an toàn, bền vững. Việc đẩy mạnh liên kết cũng là nền tảng để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng, chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế quay trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Đó là khẳng định của các đại biểu dự Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh) với chủ đề “Kết nối tinh hoa” diễn ra tại TP Hạ Long, Quảng Ninh ngày 20.11. 

Đại diện UBND các tỉnh, thành phố bắt tay sau khi kí kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc
Đại diện UBND các tỉnh, thành phố bắt tay sau khi kí kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc

Liên kết - “chìa khóa” để du lịch lấy lại đà tăng trưởng

Theo số liệu thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, 10 tháng năm 2020, tổng số du khách quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ; tổng số du khách đến 8 tỉnh Đông Bắc cũng chỉ đạt 14,6 triệu lượt, giảm 36%. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có hơn 1.500 doanh nghiệp lữ hành của thành phố và gần 200 doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh Đông Bắc bị tác động, phần lớn bị sụt giảm số lượng khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: Từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020, UBND thành phố đã nâng tầm liên kết hợp tác phát triển du lịch lên cấp chính quyền, cụ thể đã tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với UBND 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025 và đạt được một số kết quả nhất định từ những liên kết này. Tiếp nối kinh nghiệm và thành công đã đạt được, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc hướng đến hình thành  chuỗi hoạt động liên kết phát triển du lịch từ Bắc tới Nam để tạo nên một khối sức mạnh tổng thể từng bước đưa ngành du lịch nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Mục tiêu đón 10 triệu lượt khách đến địa phương trong năm nay có thể đạt được khi lãnh đạo tỉnh xác định trước mắt ưu tiên thu hút, kích cầu du lịch nội địa. Các doanh nghiệp Quảng Ninh đã thiết lập nhiều tour, tuyến du lịch mới và sản phẩm du lịch có mức giá ưu đãi nhằm tạo sức cạnh tranh, thu hút khách trong nước… "Để phục hồi ngành du lịch, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cả nước. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy du lịch các địa phương vượt khó”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

	Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc

Động lực mới cho sự phát triển

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, chương trình liên kết trên sẽ mở ra triển vọng xây dựng và phát triển các chương trình du lịch mang tính hỗ trợ nhau, giúp thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc. Đây sẽ là cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong việc hình thành các sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tăng cường phát triển nguồn lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung nhận định: Các tỉnh vùng Đông Bắc cần có quy hoạch điểm đến du lịch chung, xây dựng trưởng nhóm vùng một cách chuyên nghiệp, định kỳ 6 tháng 1 lần tổ chức hội nghị liên kết xúc tiến du lịch tại TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh khác. Cùng với đó, cần đẩy mạnh quảng bá, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu du khách. Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng kiến nghị, các địa phương có sân bay cần xây dựng tuyến xe buýt đưa đón du khách từ sân bay về khách sạn, về các điểm tham quan, khu du lịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc ký kết các thoả thuận tại hội nghị này chỉ là những giải pháp, thỏa thuận khung. Muốn việc liên kết này được hiệu quả, sau đó phải là sự vào cuộc thực sự của doanh nghiệp. Chính quyền các địa phương tổ chức hội nghị này là một sáng kiến tốt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch liên kết cùng tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường của nhau.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ ra điểm yếu trong phát triển du lịch đó là thiếu sự phối hợp với nhau. “Từ lâu chúng ta đã nói đến kinh tế vùng, vùng trọng điểm, nhưng vẫn thiếu một cơ chế để phối hợp chặt chẽ với nhau, tận dụng thế mạnh của nhau, bổ trợ cho nhau. Với sự kết hợp của yếu tố bên ngoài là TP Hồ Chí Minh, chúng ta cùng kỳ vọng sẽ mang lại động lực mới cho sự phát triển của du lịch tại vùng Đông Bắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát huy tiềm năng du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, không chỉ cần rất nhiều tiền mà cần có cả sự hiểu biết. Đồng thời, phải nỗ lực khắc phục những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển tới di sản; cần vận dụng tối đa yếu tố công nghệ, số hóa cho ngành du lịch để du khách có thể dễ dàng tìm hiểu điểm đến, sản phẩm du lịch, có thể mua vé, check in điện tử tạo sự tiện ích, thoải mái nhất cho du khách... Cuối cùng, trong trạng thái bình thường mới, chúng ta phải bảo đảm an toàn. “Muốn giữ được du lịch nội địa trong bối cảnh này thì yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

MẠNH TUÂN