Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

- Thứ Ba, 08/12/2020, 05:48 - Chia sẻ

Trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để ngày càng có thêm nhiều nông sản Việt Nam chinh phục được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ... thì một yêu cầu quan trọng là phải có sự kết nối từ các khâu trong chuỗi sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp, trong đó có vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là hết sức quan trọng. Dù vậy, như nhận định của đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan: “Các vấn đề về hợp tác xã cũng là một câu chuyện rất dài kỳ”.

Luật Hợp tác xã ở nước ta đã được ban hành từ rất sớm và được sửa đổi, bổ sung một số lần. Gần đây nhất, năm 2012, Quốc hội đã sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của hợp tác xã với rất nhiều đổi mới, hướng đến thông lệ quốc tế. Vai trò của người dân trong tổ chức hợp tác xã kiểu mới rất quan trọng, có sự bình đẳng, tự chịu trách nhiệm, tự nguyện, tự chủ. Hợp tác xã kiểu mới không thủ tiêu kinh tế hộ gia đình, trang trại, nông trại mà còn gia tăng, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên. Mỗi thành viên có quyền biểu quyết như nhau, vừa sở hữu tài sản của mình, nhưng đồng thời cũng sở hữu tài sản của hợp tác xã, vừa sử dụng dịch vụ nội bộ hợp tác xã vừa sử dụng dịch vụ bên ngoài. Từ đó đến nay, đã có những hợp tác xã kiểu mới được hình thành và đóng góp tích cực đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp. Nếu hợp tác xã nào cũng làm được như vậy chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nan giải mà nông dân đang gặp phải hiện nay như: bị ép giá; khả năng dự báo thị trường rất kém; khả năng tiếp cận được với các nguồn vốn cũng như khoa học, công nghệ, các biện pháp kỹ thuật còn thấp...

Tiếc rằng, đến nay, những hợp tác xã hoạt động đúng nghĩa theo mô hình mới cũng như theo chuẩn mực quốc tế chưa nhiều. “Hầu như, chúng ta vẫn biến tướng đi một chút của mô hình hợp tác xã kiểu cũ và đồng thời “núp” dưới bóng doanh nghiệp dẫn đến sự không bền vững”, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết. Thực tế này vẫn diễn ra sau gần 8 năm Luật Hợp tác xã “mới” được Quốc hội ban hành cũng đã cho thấy vẫn còn nhiều rào cản đòi hỏi phải được xem xét đồng bộ mới có thể thúc đẩy được. 

Trước mắt, theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải kịp thời nhận diện, phân tích, đánh giá và tổng kết các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả, hoạt động tốt để nhân rộng. Đồng thời, phải khơi thông các rào cản chính sách hiện nay, tạo dựng môi trường pháp lý hoàn thiện để các hợp tác xã thực sự là hợp tác xã kiểu mới theo đúng mô hình hợp tác xã quốc tế. Phải tạo điều kiện để hợp tác xã nông nghiệp có thể tự sống được bằng chính sức của nó thông qua việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là chính sách về cán bộ đào tạo nguồn nhân lực đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ và thị trường. Hoàn thiện cơ chế liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, giữa hợp tác xã đối với doanh nghiệp vì ở đây, hợp tác xã chính là cầu nối với thị trường để nông dân tiếp cận được với các doanh nghiệp, từ đó tạo đầu ra ổn định, bền vững cũng như gia tăng giá trị cho các sản phẩm.

Cùng với đó, phải huy động được mối quan hệ với các tổ chức khoa học, công nghệ, vai trò của các nhà khoa học, công nghệ tham gia trợ giúp các hợp tác xã này, đưa hàm lượng khoa học, công nghệ vào sản phẩm nông nghiệp cao hơn, đạt tới những chuẩn mực theo thông lệ quốc tế để doanh nghiệp tiếp nhận sản phẩm có thể xuất khẩu, tiêu thụ trong nước. Đẩy mạnh các chính sách liên kết vùng; tăng cường thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho nông dân gắn bó với ruộng đồng, có thêm đất sản xuất, nếu không sát sao và thúc đẩy nhanh tiến trình thì rất nhiều hộ nông dân sẽ bỏ hoang ruộng đất, lãng phí nguồn lực từ đất đai.

Một nhiệm vụ nữa là phải kiện toàn công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương theo hướng bố trí cơ quan đầu mối chuyên trách về kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã nói riêng; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về vấn đề hợp tác xã vì hiện nay có đến 3 đơn vị quản lý, khó tránh được tình trạng chồng chéo, không rõ ràng hoặc có những khoảng trống làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hợp tác xã...

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ “ngấm” đến ngành nông nghiệp nước ta ngày càng sâu hơn nữa, nhưng rõ ràng đó không phải là thách thức duy nhất đối với nông nghiệp. Khơi thông những ách tắc về cơ chế, chính sách để củng cố, nhân rộng và phát triển các hợp tác xã kiểu mới theo đúng mô hình hợp tác xã quốc tế cũng chính là một trong những giải pháp mang tính dài hạn, bền vững góp phần giúp ngành nông nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hóa giải nguy cơ “thua trên sân nhà” mà nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã cảnh báo, nhất là khi đại dịch qua đi.

Quỳnh Chi