Hợp tác Năng lượng Mỹ Latin: Vạn sự khởi đầu nan

17/04/2007 00:00

Hôm nay 17.4 (tính theo giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Latin về năng lượng sẽ được khai mạc tại đảo Margarita, Venezuela, quốc gia duy nhất của châu lục là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ chính thức nhóm họp để bàn về một vấn đề đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với vị thế của Mỹ Latin trên trường quốc tế.

06-van-su-khoi-dau-nan300.jpg

      Có thể nói Mỹ Latin là một châu lục giàu tiềm năng năng lượng với 8,9% trữ lượng dầu mỏ và 4,5% trữ lượng khí đốt của thế giới. Các nhà kinh tế dự đoán trong vòng 20 năm tới, châu lục này sẽ trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu năng lượng quan trọng. Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh năng lượng lần đầu tiên đã quy tụ sự tham gia của các nguyên thủ đến từ các quốc gia hàng đầu Nam Mỹ như Argentina, Bolivia, Brazil, Venezuela...
      Trong những năm trở lại đây, năng lượng được coi là vấn đề giúp các quốc gia Mỹ Latin “được” để ý nhiều hơn trên trường quốc tế. Quả vậy, chính nhờ năng lượng mà các công ty đa quốc gia nổi tiếng thi nhau tìm đến Nam Mỹ. Chính vì năng lượng mà Trung Quốc đã nhanh chóng thiết lập những mối quan hệ hữu hảo với các quốc gia Mỹ Latin như Peru, Argentina, Ecuador, Brazil, Venezuela và bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư vào các dàn khoan ngoài biển của các quốc gia này. Cũng nhờ năng lượng mà Venezuela có được một đối tác khổng lồ là Trung Quốc cùng sát cánh trong cuộc cạnh tranh với siêu cường Mỹ. Cũng vì năng lượng, Mỹ sẵn sàng bỏ qua những lời lẽ, thái độ đầy khiêu khích của Tổng thống Hugo Chavez bởi hiện Mỹ nhập khẩu 19% dầu mỏ từ Nam Mỹ trong đó có tới 8% là dầu mỏ của Venezuela. Thậm chí, ngay trước thềm Hội nghị lần này, Mỹ cũng đã tỏ ra hết sức “nhã nhặn” trước tuyên bố của ông Chavez: “Chúng tôi không đối đầu với Tổng thống Lula, chúng tôi không đối đầu với Brazil. Kẻ thù của chúng tôi là đế quốc Mỹ. Vấn đề không phải là sử dụng ethanol như một chất phụ gia mà vấn đề là đế quốc Mỹ muốn thay thế dầu mỏ bằng ethanol. Đó quả là một ý tưởng quá điên rồ”. Trong cuộc họp báo hôm thứ 6 tuần qua, Đại sứ Mỹ tại Venezuela William Brownfield chỉ khiêm tốn đáp lại rằng, ông hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Nam Mỹ về năng lượng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học và rằng người Mỹ tin ethanol là một yếu tố cơ bản cần thiết cho quá trình này: “Ethanol không phải giải pháp quyết định cho năng lượng thế kỷ XXI nhưng rõ ràng đó là một phần tạo nên giải pháp ấy!”.
      Ông Chavez tuyên bố là vậy nhưng hẳn ai cũng biết giữa Venezuela và Brazil đang có những bất đồng sâu sắc về vấn đề ethanol. Cách đây ít lâu, khi Tổng thống Venezuela “hăm hở” bắt tay thực hiện các dự án sản xuất ethanol như một dạng nhiên liệu sinh học thay thế thì đùng một cái ngay tháng trước, Brazil và Mỹ, hai quốc gia sản xuất ethanol từ mía và ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã ký thoả thuận tăng cường sản xuất ethanol trong khu vực và cùng nhau quy định chất lượng chuẩn mực cho loại nhiên liệu này. Và thế là ethanol trở thành “nỗi nhức nhối” của ông Chavez. 
      Như vậy, trong 2 ngày ngắn ngủi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh năng lượng, các quốc gia Nam Mỹ có rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc thảo luận về sản xuất ethanol và khí đốt sinh học vốn đang là chủ đề nóng ở khu vực này, các nước tham dự cũng sẽ bàn bạc kỹ hơn về dự án xây dựng ống dẫn dầu 8.000km chạy từ Venezuela qua Brazil, Argentina, Bolivia, Paraguay và Uruguay. Nhưng 2 ngày hội nghị là khoảng thời gian quá ngắn để có thể dàn xếp vấn đề, nhất là khi Venezuela và Brazil tỏ ra không mấy mặn mà với nhau.
Bước đầu hợp tác năng lượng giữa các quốc gia Nam Mỹ vấp phải không ít trở ngại song một điều không thể phủ nhận là hội nghị lần này sẽ là dịp để các nước sản xuất năng lượng nhỏ trong khu vực có cơ hội nhận được sự trợ giúp của các quốc gia phát triển hơn. Bằng chứng là Venezuela tuyên bố sẽ cho xây dựng các nhà máy lọc dầu ở Cuba, Brazil, Jamaica và hứa sẽ bán dầu thô với giá ưu đãi cho các quốc gia nghèo nhất ở Nam Mỹ và ở vùng biển Caribean. Đây cũng là cơ hội để Venezuela tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực đối với ý định thành lập một Tổ chức các quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên, một ý tưởng vốn đã nhận được sự ủng hộ của Iran và hai quốc gia này sẽ gặp gỡ để bàn bạc thêm ngay trong tháng 4 này tại Doha.

Hồng Minh

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hợp tác Năng lượng Mỹ Latin: Vạn sự khởi đầu nan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO