Quốc tế

Hợp tác năng lượng Australia - Trung Quốc: Đòn bẩy phát triển bền vững Đông Nam Á

Châu Anh 25/05/2025 07:37

Australia và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tăng cường ảnh hưởng và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các quốc gia Đông Nam Á, thông qua các sáng kiến và khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo. Mối quan hệ hợp tác này không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong khu vực, mà còn mở ra cơ hội xây dựng đối tác bền vững.

Đông Nam Á - điểm sáng thu hút đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu

Khu vực Đông Nam Á đang vươn lên trở thành một trong những vùng phát triển nhanh nhất thế giới.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đề ra mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 23% trong tổng cơ cấu năng lượng vào năm 2025. Đáng chú ý, tại Hội nghị COP28 năm 2023, ba quốc gia trong khu vực gồm Brunei, Malaysia và Singapore đã cam kết tham gia sáng kiến toàn cầu nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 - một dấu hiệu cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

643e8959a310b60580cb65b5.jpeg
Sự hợp tác giữa Australia và Trung Quốc có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Đông Nam Á. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trước nhu cầu năng lượng tăng mạnh và những cơ hội chuyển đổi năng lượng, Đông Nam Á thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó Trung Quốc giữ vị trí dẫn đầu.

Từ năm 2019 đến 2023, Trung Quốc đã rót khoảng 3 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo trên khắp khu vực ASEAN. Một trong những dự án nổi bật là dự án đường dây truyền tải 500 kilovolt kết nối Lào và Trung Quốc, cho phép Trung Quốc nhập khẩu điện dư thừa thông qua đường dây truyền tải dài 183,5km từ Lào. Dự án này cũng có tiềm năng tích hợp vào mạng lưới điện khu vực trong khuôn khổ sáng kiến liên kết năng lượng Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore, góp phần thúc đẩy xuất khẩu điện trong khu vực.

Trong những năm gần đây, Australia cũng đang mở rộng hợp tác năng lượng xanh với ASEAN thông qua sáng kiến “Aus4ASEAN Futures”, với ngân sách 4,4 triệu USD dành cho các chương trình năng lượng và khí hậu, bao gồm hỗ trợ Trung tâm Năng lượng ASEAN và Trung tâm Biến đổi Khí hậu ASEAN. Một trong những dự án trọng điểm là SunCable - tuyến cáp điện quy mô lớn vận chuyển năng lượng mặt trời từ Australia sang Indonesia và Singapore. Ngoài ra, Australia cũng cam kết đầu tư 50 triệu USD vào sáng kiến Đối tác Chuyển đổi Tài chính châu Á, do Singapore tài trợ, nhằm thúc đẩy các dòng vốn xanh trong khu vực.

Những cơ hội tiềm năng

Các chuyên gia nhận định, dù quan hệ Trung Quốc - Australia vẫn tồn tại nhiều bất đồng, song hai bên vẫn cho thấy những khả năng hợp tác thực chất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Cả Bắc Kinh và Canberra đều có lợi ích chung trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của ASEAN. Hai bên đều có những sự khác biệt trong ưu tiên chiến lược, chẳng hạn Trung Quốc tập trung vào xây dựng hạ tầng năng lượng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường; trong khi Australia đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng. Điều này không những giúp hai bên tránh đối đầu trực tiếp, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác bổ trợ lẫn nhau.

Trung Quốc hiện đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Lào, Indonesia và Myanmar, chủ yếu trong lĩnh vực thủy điện và lưới truyền tải. Trong khi đó, các khoản đầu tư tư nhân từ Australia đang nhắm tới thị trường như Philippines, Singapore với các công nghệ năng lượng tiên tiến như điện mặt trời, hydro xanh và khai thác tài nguyên phục vụ cho công nghiệp năng lượng tái tạo. Nếu hợp tác đạt hiệu quả, sự bổ sung chiến lược giữa Trung Quốc và Australia không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho Đông Nam Á, mà còn giảm thiểu rủi ro khu vực và từng bước cải thiện quan hệ song phương.

Theo giới quan sát, một trong những hướng hợp tác tiềm năng giữa hai nước và Đông Nam Á là lĩnh vực xe điện (EV). Các nền kinh tế lớn trong khối ASEAN như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất pin và các ngành công nghiệp liên quan đến EV trong khu vực. Nhận thấy tiềm năng tại thị trường ASEAN, tập đoàn sản xuất pin lithium-ion hàng đầu của Trung Quốc - Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL) - đã đầu tư vào chuỗi cung ứng niken tại Indonesia và hợp tác với công ty Arun Plus của Thái Lan trong lĩnh vực phát triển công nghệ từ pin đến vỏ pin.

Hơn nữa, với việc phần lớn các quốc gia thành viên ASEAN đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước hoặc vào năm 2065, đã biến khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư trong lĩnh vực EV và sản xuất pin. Điều này cũng góp phần thu hút sự chú ý và đầu tư từ các nhà sản xuất EV hàng đầu Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững và mở rộng thị trường xe điện tại Đông Nam Á.

Trong khi đó, Australia giữ vị trí đặc biệt trên thị trường EV toàn cầu nhờ nguồn tài nguyên quý giá như lithium, niken và nhiều khoáng sản thiết yếu khác. Tuy nhiên, phần lớn lithium của Australia hiện được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong bối cảnh này, việc mở rộng hợp tác với các quốc gia ASEAN không chỉ giúp Australia thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thương mại và củng cố vị thế trên thị trường quốc tế, mà còn góp phần xây dựng một mạng lưới cung ứng nguyên liệu pin công bằng và tự chủ hơn cho khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội nghị lãnh đạo thường niên Australia - Indonesia năm 2023, cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu lithium từ Australia nhằm bổ sung cho các nguyên liệu thô quan trọng khác trong sản xuất pin. Ông cũng nhấn mạnh tiềm năng tận dụng nguồn niken dồi dào của Indonesia nhằm thiết lập chuỗi cung ứng pin EV tích hợp hoàn chỉnh ngay tại Đông Nam Á.

Trung Quốc, với vai trò nhà cung cấp công nghệ và cơ sở hạ tầng EV toàn cầu, cùng với Australia - nhà cung cấp khoáng sản chiến lược - có thể xây dựng quan hệ đối tác bổ sung thay vì cạnh tranh trực tiếp. Sự phối hợp này được kỳ vọng sẽ góp phần duy trì sự ổn định cho chuỗi cung ứng sản xuất pin EV tại và cho khu vực Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Trung Quốc và Australia đã thử nghiệm các hình thức hợp tác, bao gồm quan hệ đối tác và liên doanh, để phát triển và chế biến các khoáng sản thiết yếu phục vụ sản xuất pin xe điện. Theo Khung Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), việc tự do hóa thương mại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu lithium từ Australia sang Indonesia; đồng thời hỗ trợ phát triển các hoạt động chế biến lithium chung tại Thái Lan giữa các công ty Trung Quốc và Australia, qua đó góp phần xây dựng một chuỗi cung ứng xanh tích hợp trên quy mô khu vực.

Một cơ hội hợp tác khác giữa Australia và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tại Đông Nam Á nằm ở các nguồn năng lượng tái tạo mới nổi như hydro. Australia sở hữu tiềm năng to lớn trong sản xuất hydro tái tạo và hiện đang phát triển hệ thống dự án hydro lớn nhất thế giới; trong khi Trung Quốc là quốc gia đi đầu toàn cầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ hydro xanh. Năm 2023, hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác trong ngành công nghiệp năng lượng hydro. Cùng thời điểm, nhu cầu hydro tại Đông Nam Á đã tăng đều đặn kể từ năm 2015, với sản lượng trung bình khoảng 3,2 triệu tấn mỗi năm, cho thấy tiềm năng thị trường rõ rệt cho hợp tác song phương trong khu vực.

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh những cơ hội hợp tác tiềm năng, sự phối hợp về chính sách và thể chế đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả về năng lượng tái tạo. Vào tháng 6/2024, Australia và Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương về môi trường và năng lượng. Trước đó, vào tháng 3/2024, Tuyên bố Melbourne được thông qua, mở đường cho một thỏa thuận hợp tác giữa Australia và Trung tâm Năng lượng ASEAN nhằm thúc đẩy các sáng kiến năng lượng bền vững trong khu vực. Cùng với đó, ASEAN và Trung Quốc cũng đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại hội nghị tháng 8/2023, đồng thời thành lập Trung tâm Hợp tác Năng lượng Sạch ASEAN - Trung Quốc nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chia sẻ công nghệ và đầu tư trong lĩnh vực này.

Những sáng kiến trên đóng vai trò quan trọng giúp Trung Quốc, Australia và ASEAN thúc đẩy sự hợp tác hướng tới các lợi ích dài hạn. Hợp tác ba bên với Đông Nam Á không chỉ góp phần tăng cường kết nối khu vực, mà còn tạo tiền đề để Trung Quốc và Australia mở rộng quan hệ đối tác tương tự tại các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: liệu Bắc Kinh và Canberra có tận dụng được các cơ hội từ thị trường năng lượng xanh để vượt qua chủ nghĩa đơn phương và cùng nhau xây dựng một mối quan hệ đối tác đa phương bền vững hay không? Nếu làm được điều đó, sự hợp tác này sẽ mang lại những lợi ích toàn cầu sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và ổn định trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hợp tác năng lượng Australia - Trung Quốc: Đòn bẩy phát triển bền vững Đông Nam Á
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO