Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 07:13 - Chia sẻ
Phấn đấu đến năm 2025 rà phá được khoảng 800 nghìn hecta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, trả lại sự bình yên cho những vùng đất chịu nhiều "thương tật" do chiến tranh. Đó là mục tiêu đã được Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701, Bộ Quốc phòng) đề ra.
	Lực lượng chức năng trục vớt xử lý quả ngư lôi nặng gần 100 kg tại Quảng Ngãi.
Lực lượng chức năng trục vớt xử lý quả ngư lôi nặng gần 100 kg tại Quảng Ngãi.

Hơn 500.000ha đã được rà phá

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 701, Bộ Quốc phòng, mỗi năm, rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn hecta. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng diện tích khảo sát và rà phá bom mìn là hơn 500 nghìn hecta, trong đó hơn 400 nghìn hecta do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80 nghìn hecta do các tổ chức quốc tế thực hiện. Điển hình là việc tổ chức xử lý triệt để, cô lập an toàn được 2/3 điểm nóng ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam (sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định). Trong đó, khoảng 50 nghìn hecta ở 19 tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng đã được tổ chức rà phá trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025. 

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ cho khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và hơn 73.000 con đẻ của họ. Xây dựng khoảng 100 cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân độc hóa học/dioxin, hỗ trợ 5.860 lượt nạn nhân bom mìn và đối tượng hưởng lợi khác…

Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp các địa phương bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án. Điển hình như Dự án Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) (2018 - 2020); Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng thực hiện (2020 - 2021)…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo 701, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung hoàn thành xử lý độc hóa học/dioxin tại các điểm ô nhiễm đã được phát hiện; tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng tồn lưu độc hóa học/dioxin ở các khu vực bị phun rải trong chiến tranh và các điểm nghi nhiễm khác; tiếp tục quan trắc, theo dõi môi trường tại các khu vực sau xử lý. Đẩy mạnh công tác giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ cho nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến độc hóa học.

Triển khai hiệu quả dự án

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 rà phá được khoảng 800 nghìn hecta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ và tiếp nối các dự án đã hoàn thành, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Bộ Quốc phòng cho biết, dự án “Việt Nam - Hàn Quốc chung tay xây dựng Khu dân cư hòa bình và phát triển” đã được triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi từ đầu tháng 8.2021. Theo Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng giám đốc VNMAC Thiếu tướng Trần Trung Hòa, tổng vốn của dự án là 33 triệu USD, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 25 triệu USD, vốn đối ứng của VNMAC là 8 triệu USD. Dự án dự kiến thực hiện 60 tháng (từ 2022 đến 2026) tại Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi.

Dự án được thực hiện trên cơ sở kết quả của Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam. Trong đó, chủ yếu triển khai các hoạt động khảo sát, rà phá đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho Nhân dân các địa phương thực hiện dự án; hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật tại địa phương; giáo dục nguy cơ bom mìn và thảm họa thiên nhiên; tạo sinh kế an toàn và bền vững, nhất là đối với nhóm nạn nhân bom mìn.

Theo Thiếu tướng Trần Trung Hòa, sau 1 tháng triển khai dự án KVMAP tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định đã thu được những kết quả rất tích cực trong tất cả các hợp phần, trong đó hợp phần Hỗ trợ nạn nhân, đã cung cấp dụng cụ hỗ trợ, tổ chức khám sức khỏe, phục hồi chức năng, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng là nạn nhân chịu ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Tổng ngân sách còn lại của Hợp phần vào khoảng 8 tỷ đồng; dự kiến đến tháng 11.2021 sẽ kết thúc. 

Còn đối với Hợp phần Giáo dục nguy cơ bom mìn đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức tuyên truyền tại 34 xã tại Bình Định và 16 xã tại Quảng Bình. Hợp phần Rà phá bom mìn đã hoàn thành khoảng hơn 400ha/780ha theo kế hoạch, dự kiến đến cuối tháng 10.2021 sẽ kết thúc toàn bộ các hoạt động tại thực địa.

Tùng Dương