Phòng, chống tội phạm mua, bán người

Hợp tác, kết nối, chia sẻ thông tin

- Thứ Tư, 23/12/2020, 07:04 - Chia sẻ
Đứng trước những diễn biến phức tạp của tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người, 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam đều xác định tăng cường hợp tác đấu tranh cũng như kết nối, chia sẻ thông tin trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những giải pháp trọng tâm.

Tội phạm vẫn hoành hành giữa đại dịch Covid-19

Theo số liệu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do tác động của các hoạt động khủng bố, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia. Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng hơn 500 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán). Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp.

Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Stephen Lysaght; Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê khai trương biển truyền thông cho Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111
Nguồn: ITN

Tại Việt Nam, trong hai năm 2019 - 2020, các cơ quan chức năng phát hiện gần 300 vụ mua bán người, với hơn 300 đối tượng, lừa bán gần 500 nạn nhân.

Cụ thể, năm 2020, báo cáo tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 14 các nước Tiểu vùng sông Mê Kông về hợp tác phòng, chống mua bán người cho thấy, thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người có chiều hướng giảm, nhưng do tính chất siêu lợi nhuận của hoạt động mua bán người, các đối tượng phạm tội thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.

Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 bùng phát, việc kiểm soát chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh được thực hiện gắt gao, song thực tế tình hình xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ để tội phạm mua bán người hoạt động. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện một số vụ việc lừa đảo hôn nhân, các đối tượng thỏa thuận nạn nhân về việc lấy chồng nước ngoài để hưởng lợi, sau đó sẽ tổ chức cho nạn nhân trốn về nước, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của các quốc gia.

Đáng chú ý, các đối tượng tội phạm cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh càng đẩy mạnh các phương thức như: không tiếp cận nạn nhân trực tiếp mà thông qua các trang mạng xã hội; hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép; có trường hợp giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng để làm quen, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao... sau đó lừa bạn nạn nhân vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán karaoke... để hưởng lợi hoặc bán ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.

Duy trì cơ chế trao đổi thông tin

Từ kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông trong những năm qua cho thấy, các nước đã có nhiều nỗ lực, phối hợp tích cực; đưa ra nhiều sáng kiến, mô hình hay trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Cụ thể tại Trung Quốc, thông qua nền tảng trực tuyến, công tác tìm kiếm trẻ em bị mất tích, thất lạc có thể diễn ra trong thời gian nhanh chóng. Campuchia cũng cập nhật hoạt động về bảo vệ nạn nhân mua bán người; tăng cường năng lực cho các cán bộ, nhất là lực lượng cán bộ đấu tranh mua bán người tuyến đầu. Tại Myanmar cũng đã đạt nhiều thành tựu trong điều tra, truy tố xét xử, giúp nạn nhận bị mua bán người hồi hương về quê. Ở Việt Nam cũng đã chia sẻ thông tin về các đường dây nóng để người dân có thể tố giác tội phạm...

 Tuy vậy, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội các quốc gia, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn tình hình an ninh, trật tự tại các quốc gia. Trong bối cảnh đó, các đối tượng phạm tội mua bán người sẽ tiếp tục câu kết, tận dụng công nghệ cao và không gian mạng, dùng thủ đoạn mới nhằm che giấu hoạt động phạm tội, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Do vậy, việc duy trì kết nối, chia sẻ thông tin, hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người cần được các nước tiếp tục củng cố. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cần nghiên cứu, mở rộng các cơ chế hợp tác song phương với các nước, tổ chức quốc tế khác trên thế giới về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, Thiếu tướng Hồ Sỹ Niên cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc mà không chỉ đối với Việt Nam, mà cả các nước khác, đó là: tiêu chí xác định nạn nhân để dùng chung cho các nước trong khu vực chưa được chú trọng; tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất. Do vậy, để phát huy hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, các nước cần thống nhất xây dựng về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân.

Đại diện các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc... cũng nhấn mạnh: Dịch Covid-19, mua bán người không chỉ dừng lại, mà có nguy cơ tiềm tàng cao hơn. Do vậy, mỗi quốc gia phải xác định rõ các nguyên nhân dẫn đến tội phạm này để loại bỏ. Đơn cử như, lao động di cư, các lao động làm việc ở các tàu cá ngoài khơi là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ rơi vào mua bán người nhất. Bởi, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, đối tượng này dễ có nguy cơ bị mất việc, khi bị mất việc sẽ dễ dẫn đến mắc nợ do không có tiền, trong khi đó lại không tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ về thực phẩm thì họ rất dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, theo đó dễ bị dụ dỗ, rơi vào tình cảnh mua bán người.

Hải Thanh