Hợp tác để thay đổi, thích ứng

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 08:19 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” ngày 30.7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một thế giới đã khác trước rất nhiều và ngày càng bất định. Hội nhập để phát triển, hợp tác nhằm tạo nên sức mạnh để thay đổi, thích ứng với một thế giới mới là rất cần thiết, đặc biệt là các nước đang phát triển như đa số thành viên ASEAN.

Nghĩ khác, sống khác, học khác…

Cách đây 5 năm, thế giới đã chuyển từ việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ sang các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Năm 2016, từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, chúng ta hiểu rằng thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với những tác động cơ bản và sâu xa đến đời sống của mỗi người chúng ta. Trong khi lời giải của bài toán vẫn đang còn ở phía trước thì đại dịch Covid-19 ập đến. Nó chưa đi qua, nhưng đã đủ để khiến chúng ta nhận thức rằng thế giới đã thay đổi và chúng ta đang bước vào một thế giới bình thường mới. Trong thế giới này, chúng ta bắt đầu nghĩ khác, sống khác, học khác, giao tiếp khác và làm việc khác.

Trong bước tiến của hội nhập khu vực ASEAN, hướng đến “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng”, giáo dục, văn hóa cũng đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý của Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) để thể chế hóa chính sách về các vấn đề có liên quan đến hợp tác văn hóa, giáo dục ASEAN.

Công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững hiện nay gặp phải thách thức khi nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đang phải đối mặt không ít ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu; thách thức giữa phát triển và bảo tồn rất cần có khung pháp lý hợp tác.

Giáo dục từ xa, trực tuyến và mở được coi là các phương thức giáo dục quan trọng để góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 4 (Giáo dục có chất lượng) và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nước đang phát triển đều đứng trước các thách thức về tri thức cần thiết, về năng lực thực hiện và về hạ tầng kỹ thuật. Một trong những giải pháp chính để vượt qua các thách thức này là đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục, trước hết là hội nhập khu vực về giáo dục.

Hoặc nữa là, trong khi Liên minh châu Âu có tuyên bố chính thức về khung pháp lý, chính sách và lộ trình xây dựng không gian giáo dục đại học châu Âu, thì ASEAN chưa có được điều đó. Đề xuất về không gian giáo dục đại học ASEAN chỉ dừng lại ở một tuyên bố của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN hoan nghênh đề xuất này. Một khung pháp lý do AIPA đưa ra để thể chế hóa chính sách càng chưa được bàn tới. Đây là thực tiễn rất cần được bàn bạc thấu đáo để tiến tới một cơ chế hợp tác theo cả hai chiều, từ dưới lên và từ trên xuống.

Vì thế, dù rằng chúng ta đã có một số bước tiến đáng kể, nhưng con đường để đến với không gian văn hóa, giáo dục ASEAN vẫn còn rất dài ở phía trước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa phát biểu tại hội nghị  

Ảnh: Q.Khánh

6 đề xuất cơ bản

Nhìn từ góc độ của các vấn đề đặt ra như trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, với tư cách là cơ quan trong bộ máy lập pháp và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục của Quốc hội Viêt Nam có một số đề xuất sau:  

Một là, cần thiết tổ chức hội nghị thường niên của AIPA trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và trong hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Trước hết, thực hiện SDG4 trong bối cảnh hình thành mô hình giáo dục mới, trong đó giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến, giáo dục mở trở thành các phương thức giáo dục đan xen với giáo dục chính quy để bảo đảm giáo dục là bao trùm, bình đẳng, chất lượng, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời. Hình thành cơ chế hợp tác khu vực nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn, kết nối di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Hai là, thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA trong xây dựng và hoàn thiện luật pháp về văn hóa, giáo dục; tạo hành lang pháp lý cho liên thông giáo dục trong khối ASEAN và các hình thức đào tạo mới từ xa, trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và tình hình mới. Đồng thời, khuyến nghị nghị viện các nước hài hòa hóa pháp luật, áp dụng chính sách công nhận lẫn nhau nhằm tạo tiền đề cho việc hợp tác, trao đổi lĩnh vực văn hóa, giáo dục trong phát triển bền vững.

Ba là, phát huy vai trò của AIPA trong việc khuyến nghị để ASEAN và chính phủ các nước thành viên xây dựng cơ chế hợp tác trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào thực hiện SDG4 trên cơ sở tạo lập một nền tảng tri thức chung cùng các yêu cầu về năng lực và nguồn lực cần thiết để đổi mới mô hình phát triển giáo dục thích ứng với bối cảnh hậu Covid-19 cùng những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, góp phần thiết thực thực hiện kế hoạch tổng thể về Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN 2025. Gắn kết thành viên AIPA với các cơ chế hợp tác khu vực hiện có về văn hóa, giáo dục, như Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SEAMEO) và Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC).

Bốn là, hoàn thiện cơ chế giám sát của AIPA để thúc đẩy ASEAN nói chung, các chính phủ thành viên nói riêng thực hiện các cam kết khu vực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Trước mắt là cam kết về sự công nhận lẫn nhau về trình độ và văn bằng thông qua việc kết nối các khung trình độ quốc gia với khung tham chiếu AQRF.  

Năm là, chia sẻ, thông tin các điển hình và bài học giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong huy động và phát huy nguồn lực cho phát triển giáo dục và văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.   

Sáu là, khuyến nghị xây dựng bản đồ di sản văn hóa để bảo tồn toàn vẹn không gian và văn hóa dân tộc mình. Đồng thời, xây dựng con đường di sản văn hóa nhằm kết nối giao lưu các nền văn hóa ASEAN.

PV lược ghi