Hợp tác bảo vệ quyền lợi cho người đi lao động nước ngoài

Vi Hoa 30/07/2010 00:00

Theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ILO), trong thời gian tới, di cư lao động trong khối ASEAN sẽ tăng nhanh, kéo theo nhiều thách thức, nhất là với lao động di cư không chính thức. Làm thế nào để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho lao động di cư là vấn đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 3 vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thiếu thông tin chính thống

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6.2010, đã có 37.068 người đi lao động tại nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu tại các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Hàng năm, người lao động ở nước ngoài gửi về nước khoảng 1,6 - 2 tỷ USD, đã tạo ra cơ cấu lao động khá đa dạng. Với những lao động đi làm việc ở nước ngoài, điều quan trọng là cần được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường lao động cũng như các điều kiện hỗ trợ về pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn lao động rất thiếu thông tin chính thống. Công đoàn di cư Indonesia Muhammad Chairul Hadi cho biết, tại Indonesia, lao động di cư chủ yếu nhận thông tin từ môi giới, gia đình và bạn bè, trong khi đó Chính phủ nước này không phổ biến thông tin tới vùng nông thôn - mà đa số lao động di cư đến từ nông thôn. Hầu như người lao động không được cung cấp thông tin về di cư... Còn Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải cho biết, người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động đều được đào tạo nghề, tập huấn về phong tục tập quán của nước nơi sẽ đến làm việc. Tuy nhiên, việc bảo vệ lao động di cư phụ thuộc nhiều vào luật pháp của nước tiếp nhận. Ông Hải cho biết, hiện Việt Nam có các Ban quản lý lao động tại một số nước, vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Ban quản lý lao động thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận thị trường để ký kết hợp đồng cung ứng lao động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại.

Từ kinh nghiệm của nước bạn

Tại Diễn đàn, tham luận của Công đoàn di cư Indonesia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, điển hình như vấn đề chi phí xuất khẩu lao động. Trên thực tế, người đi xuất khẩu lao động thường không được vay tiền để chi trả cho chi phí đi lao động nước ngoài. Để hạn chế bất cập này, một số tổ chức ở địa phương đã trợ cấp cho người lao động chuẩn bị di cư từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Đông về việc người sử dụng lao động sẽ chi trả chi phí cho người lao động di cư giúp việc tại gia đình. Do đó, người lao động giúp việc tại gia đình sẽ không phải chi trả chi phí khi sang Trung Đông làm việc. Bên cạnh đó, Indonesia còn đưa ra một số sáng kiến như hỗ trợ Chính phủ cho vay vốn nhỏ đối với các đối tượng sẽ đi lao động nước ngoài; đẩy mạnh chính sách về chi phí thông qua chiến dịch, lắng nghe, vận động và thảo luận; hỗ trợ pháp lý đối với các những người đang mắc nợ do không đủ tiền chi trả cho việc đi lao động nước ngoài…

Đại diện cho những người đi lao động tại nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) Nguyễn Lương Trào khẳng định, VAMAS thường xuyên nắm thông tin, phối hợp với đối tác và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp không cho phép bố trí lao động vào các công việc nguy hiểm, rủi ro, hoặc có nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột hoặc bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào tại nơi làm việc.

Cũng tại Diễn đàn lần này, các đại biểu đến từ các quốc gia ASEAN đều thống nhất, đẩy mạnh trao đổi thông tin và hợp tác quốc tế; tập hợp thành cuốn sổ tay nguồn về Lao động di cư bao gồm những chính sách luật pháp của các nước; xác định và chia sẻ thông tin, công cụ và các bài học tốt về dịch vụ thông tin… nhằm bảo vệ quyền lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho những người đi lao động tại nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ILO), số lượng di cư toàn cầu năm 2010 là 210 triệu người, trong đó 80% là lao động di cư; lao động di cư trong ASEAN ước tính từ 13 - 15 triệu người, chiếm 9% tổng dân số toàn cầu; 40% người di cư ASEAN di chuyển trong phạm vi ASEAN, tập trung vào các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hợp tác bảo vệ quyền lợi cho người đi lao động nước ngoài
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO