Thực thi 3 luật quan trọng về kinh tế từ 1.1.2021

Hợp nhất 11 nghị định thành 5 nghị định

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 02:56 - Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ xem xét hợp nhất 11 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để xây dựng, trình Chính phủ ban hành 5 nghị định quy định chi tiết các luật này. Việc cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết luật nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

Khởi sự kinh doanh chỉ cần 3 thủ tục và 6 ngày

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 8.1, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Hào Hùng cho biết, với định hướng cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét hợp nhất 11 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật PPP, trình Chính phủ ban hành 5 nghị định quy định chi tiết. Cả 3 luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo và hợp nhất 5 nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư năm 2020 để xây dựng 2 nghị định, gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 dự thảo Nghị định nêu trên và đang hoàn thiện nội dung theo ý kiến của các thành viên Chính phủ để trình Thủ tướng ký, ban hành. Đồng thời, Bộ đã soạn thảo Thông tư hướng dẫn biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư để áp dụng ngay sau khi Nghị định được ban hành.

Đối với Luật Doanh nghiệp năm 2020, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, ngày 4.1.2021, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15.10.2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với nhiều thủ tục khác.

Theo đó, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam. Kết quả là trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18 nghìn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015.

Thay đổi tư duy lựa chọn dự án PPP

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Luật PPP quy định về việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP sẽ có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP. Ông lưu ý các bộ, ngành và địa phương rằng việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu phải được quyết định từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP; cùng với việc dự kiến nguồn lực để thực hiện việc chia sẻ giảm doanh thu bảo đảm tính khả thi của các hợp đồng PPP được ký kết.

Về mặt thực thi, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, bộ, ngành và địa phương cần xác định rõ nhu cầu đầu tư, nguồn lực từ ngân sách có thể huy động; từ đó xác định rõ được phần thiếu hụt và cần huy động từ khu vực tư nhân. "Việc thực hiện lựa chọn dự án PPP cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế xin - cho sang cơ chế phục vụ. Lựa chọn được dự án PPP tốt sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư, tổ chức tín dụng cho vay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", ông Trương phân tích.

Ngoài ra, để đẩy mạnh thu hút đầu tư PPP, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đề nghị các bộ, ngành và địa phương xử lý dứt điểm các dự án BT đang thực hiện ở bước phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện, bảo đảm đáp ứng điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật.

Tiểu Phong