Hợp lực quan trọng hơn "cát cứ"

Sa Nam 29/04/2020 07:20

Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Một nội dung trong dự thảo Luật nhận được sự quan tâm là chức năng quản lý hệ thống sát hạch cấp giấy phép lái xe được đề xuất chuyển từ Bộ Giao thông - Vận tải hiện nay sang Bộ Công an. Lập luận được cơ quan soạn thảo đưa ra là muốn thống nhất từ khâu sát hạch, cấp bằng, cho đến chấp hành giao thông trên đường. Dù ý tưởng này không phải không có tính logic, tuy nhiên, nếu so sánh lợi ích thu được và chi phí thực hiện của đề xuất chính sách, chưa hẳn ý tưởng này đã tối ưu và thuyết phục.

Thứ nhất, sát hạch chỉ là một yếu tố an toàn trong rất nhiều yếu tố liên quan đến chủ thể là người tham gia giao thông. Mỗi yếu tố đó có thể do những bộ, ngành khác nhau với những quy định khác nhau điều tiết, miễn là không chồng chéo hoặc khó khăn trong phối hợp thực thi. Bộ Y tế đang là nơi đặt ra tiêu chuẩn sức khỏe, Bộ Giao thông - Vận tải cấp phép lái xe, Bộ Công an xử phạt người vi phạm. Các công việc là mạch lạc và không có sự chồng chéo. Do đó, nếu chuyển chức năng cũng không giúp gì cải tổ bộ máy, giảm biên chế và chi phí hành chính của cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, nếu chuyển đầu mối - chi phí tăng thêm có thể lại đáng kể. Riêng giấy tờ, thủ tục hành chính của hàng nghìn cơ sở sát hạch; rồi giấy phép của hàng chục triệu tài xế liệu có phải làm lại, đổi lại? Chi phí thực thi thủ tục (chi phí thời gian, chi phí giấy tờ, chi phí cơ hội) của hàng triệu giao dịch hành chính như vậy cần được lượng hóa để so sánh với lợi ích thu được.

Thứ hai, Chính phủ đang nêu cao chủ trương xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử và nội dung “lõi” là liên thông dữ liệu quản lý. Vậy nếu như dữ liệu của ngành giao thông và ngành công an có thể liên thông thì lợi ích sẽ rất lớn cho việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Và đương nhiên, liên thông dữ liệu không chỉ bó hẹp trong sát hạch hay xử phạt. Đơn cử một việc: Có dữ liệu liên thông thì việc cấp lại bằng lái đối với người mất giấy tờ này sẽ thực hiện nhanh gọn mà không phải thi lại như đề xuất trước đây của Bộ Giao thông - Vận tải. Chỉ cần truy xuất dữ liệu từ Bộ Công an là chủ thể đó bị tịch thu bằng do vi phạm hay thực sự làm mất do sơ suất, thì đã có thể cấp lại ngay. Hay ngược lại, cảnh sát giao thông muốn kiểm tra giấy tờ của một lái xe là hợp pháp hay bất hợp pháp thì cũng chỉ cần một động tác kiểm tra dữ liệu từ cơ sở dữ liệu chia sẻ của Bộ Giao thông - Vận tải.

Nhìn rộng hơn, liên thông dữ liệu không bó hẹp trong 2 bộ này. Chẳng hạn, phương tiện như ô tô, xe máy, tàu thuyền là tài sản lớn, nếu dữ liệu đăng ký phương tiện của Bộ Công an được chia sẻ với Bộ Tư pháp (mảng đăng ký tài sản cho giao dịch bảo đảm) và ngân hàng hay tổ chức tín dụng cần xác thực tài sản khách hàng, thì sẽ tạo lợi ích cho giao dịch kinh tế của hàng chục triệu chủ thể. Dữ liệu là mỏ vàng không chỉ theo nghĩa đơn giản là dữ liệu đẻ ra tiền, mà với quản lý nhà nước, dữ liệu là cơ hội cho cải thiện hiệu suất quản lý. Nhưng muốn thế phải liên thông để cùng khai thác và đây mới là mục đích xa hơn của Chính phủ điện tử. Sự hợp lực của các bộ vì thế quan trọng hơn là “cát cứ” hay tính toán đến lợi ích riêng của từng ngành.

Vì thế, khi đề xuất chính sách này đưa Quốc hội thảo luận, mong rằng bài toán chi phí - lợi ích sẽ được tính đến, không chỉ lợi ích trực tiếp mà còn lợi ích toàn diện của nền kinh tế, chứ không phải câu chuyện ngành nào được giao quản lý mảng nào.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hợp lực quan trọng hơn "cát cứ"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO