Chiều 9.8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội phối hợp Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại hội thảo, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính thực tiễn.
Theo MXV, xuất phát từ thực tiễn giao dịch của thị trường điện giao ngay và nhu cầu sử dụng các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện trong quá trình giao dịch, ngoài việc giao dịch thông qua “Hợp đồng kỳ hạn”, các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ còn có thể lựa chọn một loại công cụ khác có chức năng bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro tương đương, được nhiều nước trên thế giới áp dụng và cũng đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đó là “Hợp đồng quyền chọn”. Tương tự như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn là một công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.
Theo chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đã được triển khai, phát triển qua hai giai đoạn, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) và thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Một số chuyên gia, tiến sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong ngành điện lực cho rằng, thị trường điện Việt Nam không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là hợp đồng kỳ hạn, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như hợp đồng quyền chọn. Với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, Dự thảo Luật cần có tính ổn định, bền vững nhất định, đồng thời cần bắt kịp với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Trên thế giới, tại Hoa Kỳ, Australia và New Zealand, hợp đồng quyền chọn được áp dụng phổ biến cho mặt hàng điện. Tại Hoa Kỳ, Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX, thuộc CME Group) và Sở Giao dịch hàng hóa liên lục địa (ICE US) đã niêm yết hợp đồng quyền chọn về điện với tài sản cơ sở là hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn điện. Sở Giao dịch chứng khoán Australia (ASX) đã niêm yết hợp đồng quyền chọn điện tại Australia và New Zealand. Các hợp đồng quyền chọn điện tại Australia gồm hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở theo năm dương lịch, hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở theo năm tài chính, hợp đồng quyền chọn giá trung bình hàng quý. Các hợp đồng quyền chọn điện tại New Zealand gồm hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở giá trung bình, hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở. Ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý… Hợp đồng quyền chọn (Options contracts) hiện đang được áp dụng cho mặt hàng điện thông qua các sản phẩm kỳ hạn, quyền chọn hoặc hợp đồng giao ngay trên Sàn giao dịch năng lượng Châu Âu (EEX).
Đối với Dự thảo 5 của Luật Điện lực (sửa đổi), MXV cho rằng, tại Điều 4 của Dự thảo về Giải thích từ ngữ về bổ sung khái niệm“Thị trường điện kỳ hạn”: Dự thảo chưa quy định khái niệm “Thị trường điện kỳ hạn”. Do đó, MXV kiến nghị bổ sung khái niệm “Thị trường điện kỳ hạn” ngay sau khoản 34 Điều 4 của Dự thảo với nội dung như sau: Thị trường điện kỳ hạn là thị trường mua, bán các hợp đồng điện năng trong đó giá mua bán được ấn định trước cho các chu kỳ giao dịch do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thực hiện trong tương lai. Đồng thời, cần quy định về việc giao Chính phủ hoặc Bộ Công Thương quy định chi tiết về thị trường điện kỳ hạn.
Tại nội dung về Bổ sung khái niệm “Hợp đồng quyền chọn điện”, MXV cho rằng, tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 (khoản 3 Điều 64) đã quy định: “Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó”.
Có thể thấy, việc sử dụng hợp đồng quyền chọn tại thị trường điện lực Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giao dịch của thị trường điện lực trên thế giới. Đồng thời pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về loại hợp đồng này để làm cơ sở pháp lý cho các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh có thể sử dụng, triển khai trong thực tiễn giao dịch, mua bán trên thị trường điện lực.
Do vậy, nhằm góp phần thúc đẩy triển khai cấp độ về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong các năm sắp tới và đáp ứng yêu cầu “Rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực” và “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh” tại khoản 2 Phần III Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, MXV kiến nghị Ban Soạn thảo:
Bổ sung khái niệm “Hợp đồng quyền chọn điện” ngay sau khoản 21 Điều 4 của Dự thảo về “Hợp đồng kỳ hạn điện”. Đồng thời bổ sung các nội dung về “Hợp đồng quyền chọn điện” trong thị trường điện với kết cấu tương đồng như quy định về “Hợp đồng kỳ hạn điện” tại Dự thảo Luật.