Họp báo quốc tế về chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

- Thứ Ba, 19/10/2021, 17:09 - Chia sẻ
Chiều 19.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo quốc tế về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Tham dự họp báo có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo quốc tế về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Ảnh: Hồ Long 

Giới thiệu dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ Hai khai mạc vào ngày 20.10 và bế mạc vào ngày 13.11. Do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ Hai được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20 - 30.10), Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy và một ngày chủ nhật. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 8 - 13.11), trong đó Quốc hội làm việc một ngày thứ bảy. Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) đó là: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. 

Họp báo quốc tế về chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Ảnh: Hồ Long 

Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc rút ngắn thời gian của Kỳ họp thứ Hai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, dù Kỳ họp thứ Hai diễn ra 17 ngày, không dài so với các kỳ họp thường kỳ trước (thông thường diễn ra 25 - 27 ngày), nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Bởi lẽ, nếu như trước đây, các vấn đề kinh tế - xã hội 5 năm đều được thông qua tại Kỳ họp thứ Hai, thì tại nhiệm kỳ Khóa XV này, những nội dung này đã đưa vào Kỳ họp thứ Nhất để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết" "Chúng tôi đã chuẩn bị từ sớm, từ xa, tăng cường nhiều hội nghị chuyên đề, đóng góp ý kiến, làm cho chất lượng, nội dung dự án luật, dự thảo nghị quyết trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ngày càng tốt hơn, từ đó có sự đồng thuận cao hơn. Sắp tới, chúng tôi cũng tăng cường hoạt động của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, bảo đảm khi trình trước Quốc hội chỉ xem xét, quyết định những vấn đề lớn, còn những nội dung mang tính kỹ thuật văn bản, câu chữ, các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải rà soát. Như vậy chất lượng sẽ bảo đảm và thời gian kỳ họp ngày càng giảm”.

Ảnh: Hồ Long

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin thêm, tới đây, sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức Kỳ họp chuyên đề vào cuối năm, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra. Những nội dung Chính phủ chuẩn bị chưa chín, chưa kỹ sẽ được chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội tại Kỳ họp chuyên đề. Chú trọng xây dựng chính sách đối với việc sử dụng chuyên gia, các tổ tư vấn, nhằm có thêm thông tin, ý kiến tham mưu, thực hiện thật tốt nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định việc tăng lương theo lộ trình đặt ra theo Nghị quyết 27 - NQ/TW là cần thiết, song trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực chi cho công tác này rất lớn, nên năm 2021, dù hết sức cố gắng thì tăng trưởng dự kiến cũng sẽ chỉ đạt trên 3%. "Nguồn lực dành cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn. Cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng đồng thuận với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII là lùi việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết. Cụ thể, việc tăng lương ở thời điểm nào sẽ giao Chính phủ, các cơ quan liên quan, Quốc hội xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, song tinh thần của Trung ương là các nhóm thu nhập thấp sẽ được ưu tiên trước.

Hoàng Ngọc