Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Sáng 11.12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch Nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Chu Văn Yêm chủ trì cuộc họp báo.
![]() Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua |
Đó là: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; và Luật Chăn nuôi.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương, với 96 điều, nhằm khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi năm 2007 và 2012) như một số biện pháp còn mang tính hình thức, thiếu cơ chế bảo đảm thi hành và xử lý vi phạm pháp luật dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác này còn hạn chế. Luật Phòng, chống tham nhũng mới tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới, đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường người đứng đầu.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật đã quy định ngắn gọn và khái quát về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “ xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chương VII quy định việc áp dụng Luật đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Về hành vi tham nhũng, Luật đã quy định riêng các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành nhằm bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1.1.2019, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Việc xây dựng luật dựa trên các quan điểm là thống nhất pháp luật điều chỉnh hoạt động quy hoạch, lấy Luật Quy hoạch làm gốc, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, chủ trương, đường lối của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 05 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 10 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; và Nghị quyết số 11 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo đảm duy trì các mục tiêu về yêu cầu quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và bảo đảm tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Luật Trồng trọt ban hành đã tạo khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, bảm đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật có 7 chương, 85 điều, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm giống cây trồng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.
Tại cuộc họp, phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí quan tâm, đặt câu hỏi: Liệu rằng Luật Trồng trọt có giải quyết được những kẽ hở trong sản xuất phân bón giả, không để xảy ra tình trạng như công ty phân bón Thuận Phong hơn 10 năm vẫn chưa xử lý được?
Trả lời câu hỏi này, Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN và PTNT Nguyễn Như Cường nêu rõ, theo quy định mới của Luật thì phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp quyết định công nhận lưu hành. Nghĩa là, tất cả các loại phân bón khi được quy hoạch trên thị trường thì Bộ NN và PTNT sẽ cấp chứng nhận công nhận lưu hành, trong đó có ghi về thành phần đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, kết quả khảo nghiệm phân bón, chỉ rõ các loại phân bón trên thị trường đã có đăng ký, do nhà máy nào sản xuất, chỉ tiêu chất lượng như thế nào. Mặt khác, việc kiểm tra chất lượng cũng được các cơ quan có chức năng thực hiện thường xuyên, minh bạch hóa thông tin về các loại phân bón, tránh nhập nhằng, hoặc tránh tình trạng có thể một số cơ quan, đơn vị có quảng cáo không đúng, quá lên - khó đánh giá được là có hay không vi phạm pháp luật. Điều 4, Luật Trồng trọt cũng quy định: nội dung ghi trên nhãn phải đúng với nội dung trên quyết định công nhận lưu hành phân bón tại Việt Nam. Cục trưởng Cục Trồng trọt tin rằng, quy định này giúp tất cả các loại phân bón lưu hành trên thị trường tránh được hiện tượng không rõ ràng hoặc mập mờ, giải quyết được vấn đề thực tế vừa qua xảy ra.