Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

- Thứ Ba, 17/11/2020, 18:54 - Chia sẻ
Chiều 17.11, ngay sau Phiên bế mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV.

Quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng

Thông báo kết quả Kỳ họp thứ Mười, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp. 

	Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo

Trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú có sự kết nối, liên thông trên toàn quốc thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân gắn với từng công dân, góp phần cải tiến, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Kể từ ngày Luật có hiệu lực, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng làm giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31.12.2022 nhằm có thời gian để người dân quen dần với phương thức quản lý mới và tránh áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

	Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo

Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết, trong đó quyết định ngày chủ nhật, 23.5.2021, là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

		Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Mười
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Mười

Dân chủ và trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của một số phóng viên về việc các dự án Luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, đây là ba dự án luật có liên quan đến an ninh trật tự và an toàn giao thông, cần có thời gian xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Các dự án Luật đều đáp ứng đúng quy trình xây dựng dự án Luật mới được trình Quốc hội và ĐBQH cho ý kiến. Ý kiến của các ĐBQH là cơ sở để ban soạn thảo (Chính phủ) tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án luật. Đây mới chỉ là bước cho ý kiến, chứ chưa phải thông qua dự án luật, cho nên rất cần lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH; và trong phiếu xin ý kiến, ngoài đồng ý hay không đồng ý với nội dung dự án Luật, còn có những mục cho ý kiến cụ thể về nội dung đó. "Chúng tôi sẽ chuyển phiếu này cho Chính phủ", Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH cho biết.

các đại biểu tham dự họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ Mười
Các đại biểu tham dự họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH cũng nhấn mạnh, đây là sáng kiến của Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, đó là: chủ động xin ý kiến của Quốc hội ngay từ lần đầu tiên cho ý kiến về dự án luật (trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần hai và xem xét, thông qua). Kết quả thăm dò ý kiến ĐBQH được chuyển cho cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, dự án Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ Chín, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, theo quy định tại Điều 51, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chương trình, tách dự án Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án luật là dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa vào chương trình cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với cơ quan soạn thảo và Chính phủ. Việc đưa ra thảo luận cũng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là tại lần cho ý kiến đầu tiên, Quốc hội cho ý kiến về dự án luật, khi còn những vấn đề có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xin ý kiến ĐBQH, để làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý giữa hai kỳ họp. Đây là cách làm mới theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ, và sự quyết định chung của Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng bổ sung: Trong lần cho ý kiến về ba dự án Luật này, các ĐBQH đã rất thẳng thắn thảo luận, tranh luận. Với những nội dung còn ý kiến khác nhau đã tiến hành lấy ý kiến các ĐBQH. Điều này thể rõ trách nhiệm và sự đổi mới của Quốc hội.

Hoàng Ngọc