Hồn cát (Phần cuối)
...Đêm trăng mười bốn, gió nam non se lạnh, tình hình yên ắng, tôi rời hầm lên trên để tắm rửa, chuẩn bị cho chuyến đi dài của mình. Ry dùng gáo dừa múc từng gáo nước xối cho tôi gội đầu. Tắm xong, tôi còn đang dụi dụi tóc vào chiếc khăn lau thì bất thần em nắm tay tôi chạy thẳng lên đồi cát. Hàng tỉ tỉ hạt cát lấp lánh ánh trăng vàng tạo ra một không gian ảo mộng thật sự.

Tôi bị choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy của đêm trăng, choáng ngợp trước hạnh phúc bất ngờ. Chúng tôi ngã dụi vào trong cát, em quấn quyện lấy tôi, cứ thế hai đứa cuốn mình lăn tròn từ trên đồi cát xuống, chúng tôi ôm ghì lấy nhau từng hồi, khi vừa qua một lần hoan lạc, tôi chợt nhận thấy cơ thể em, da thịt em chỗ nào cũng dát vàng, dát bạc lung linh. Chúng tôi chạm vào tận tâm hồn, thể xác của nhau bằng hương mật ngọt ngào đầu đời của mình.
Ầm! Ầm! Ầm! Ba quả đạn M.72 xé nát đêm trăng, ánh vàng lộng lẫy trùm khắp thoáng chốc biến thành chói loà. Tôi và Ry vùi sâu người xuống cát, lắng tai nghe, lại im lặng. Tôi trườn người lên trên đồi tìm quần áo cho Ry. Tạch tạch tạch... Tạch tạch tạch... Một tràng R.16 giật giòn, đạn xé cát roẹt đi. Tôi lăn qua bên kia đồi, áp tai vào cát nghe ngóng. Bỗng một tiếng nổ nhức óc hất tôi bay đi... Tiếng gà eo óc gáy làm tôi tỉnh lại, mở mắt thì trời đã hừng đông. Tôi quýnh quíu bò đi tìm Ry, tôi thấy quần áo của Ry, vội cuộn lại bên nách rồi bò tiếp, trời sáng mờ mờ rất dễ bị lộ, nhưng tôi lúc này không biết sợ là gì, tôi bò cho đến khi lộn nhào xuống sườn đồi. Ry đang ở trước mặt tôi, khuôn mặt bất động ló ra trên cát, cặp mắt em bất động trợn trừng, quanh em, cát quánh lại một màu sậm đỏ. Tôi nhìn khối “bê tông” máu ấy mà thất kinh. Một lúc lâu sau, tôi mới định thần đưa tay vuốt mắt cho em, đôi my xanh rậm của em khép lại vĩnh viễn, tôi vội vàng moi cát, tách từng khối “bê tông” máu ấy ra khỏi người em, nửa phần trên cơ thể em vẫn lành lặn nhưng hai chân em đã giập nát, thịt xơ ra từng múi đỏ. Tôi loáng thoáng hình dung lại phút hấp hối của em, chỉ còn khuôn mặt đau đớn lắc lư trong khối bê tông máu và cát càng lúc càng đông cứng mà rùng mình. Tôi trách tôi sao bỏ em lại một mình, nếu lúc đó, em cùng trườn đi với tôi thì đã tránh được. Tôi mặc áo quần cho em, cào một vạt cát cho phẳng, đặt em nằm lại ngay ngắn, tôi thì thầm lời vĩnh biệt Tình Yêu đầu đời của tôi, rồi cứ thế người tôi rung lên không gì cưỡng lại được nữa...
Mãi tháng sau, khi đã nối liên lạc, đã an toàn ở khu Tam Giác Sắt, tôi mới nắm được tình hình: không phải chúng tôi bị lộ mà là anh giao liên đến để đưa tôi đi bị lộ, anh đã lọt vào vùng phục kích. Chúng bắn điên cuồng, anh giao liên bị thương, chúng lần theo đường máu, đoán là anh chạy thoát về hướng túp lều của già Kha, thằng thiếu úy chỉ huy, con tay hàm hộ, vẫn còn tức ói máu vì khối kẹo mạch nha ngày nào, nên mượn cớ ra lệnh băm vằm túp lều “con ó ma lai” và khu vực quanh động cát.
Thật ra, anh giao liên không chạy vào túp lều và Bơ Ry Kha chỉ bị thương nhẹ, ông đã kịp nhảy xuống ngăn hầm bí mật nơi tôi vừa bước lên, rồi ông lết đi tìm được xác con gái đưa về góc lều còn lại. Ông ngồi nhìn con cho tới khi cát lồng lên, phủ lên chìm ngập tất cả.
Sau giải phóng 1975, ông từ địa ngục trần gian - nhà tù Côn Đảo trở về, được phân công làm chủ tịch xã rồi bước vào hồi thử thách cuối cùng. Mọi người gọi Bơ Ry Kha là người tù hai chế độ. Vào những năm bi đát của cuộc kháng chiến, số người trong mật khu hao đến mức cạn cùng. Trước khi tấn công vào chi khu, họ phải tự đào lỗ cho mình, phòng khi chẳng còn người để làm việc đó, trong lần công đồn cuối cùng, ông không được về nằm vào chính cái lỗ mình tự tay đào, ông bị thương lần nữa và bị bắt sống. Ông bị đày đi Côn Đảo (trước đó, ông đã có tên trong danh sách tầm nã của cái gọi là Ủy ban Phụng Hoàng). Tưởng tù chính trị là rục xương, nhưng thời cuộc thay đổi, cuộc kháng chiến của dân tộc đã thành công, ông trở về quỳ xuống động cát, mở mày mở mặt với vong hồn con gái. Niềm vui chưa bao lâu thì tai họa ập xuống đầu ông: vị bí thư xã trên đường làm về ngang thửa ruộng bưng chạy dọc theo chân động thì thấy có một thân cây chuối to ai đó vứt đè lên lúa, vị bí thư vội vã xắn quần lội xuống, vừa nhấc cây chuối thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Trái lựu đạn gài sẵn bên dưới đã cướp đi mạng sống của người đứng đầu xã. Mặc dù chỉ vin vào sự bất đồng dẫn tới vài tiếng to qua lại giữa ông với vị bí thư, công an đã bắt ông cùng với bốn cán bộ khác, họ buộc ông tội giết người để tranh giành quyền chức. Tám năm sau, ông mới được một chiếc xe Uoát chở về trong đêm, đến đầu làng, chiếc xe dừng lại mở cửa, anh công an bước xuống xin lỗi ông vì đã bắt nhầm người. Chuyện thật khó tin nổi, nhưng đó là sự thật của cuộc đời ông. Ông Kha tái tê lủi thủi bước về khu động cát mà chưa kịp hiểu tại sao mình lại ra nông nỗi này. Vá víu dựng lại túp lều cạnh chỗ nằm của con gái, ông thoi thóp sống những ngày cuối đời. Thỉnh thoảng ông đi qua bà đi lại chửi xéo quân giết người này, quân giết người nọ. Mấy chân tóc muối tiêu còn sót lại bạc trắng đi, ông gục quỵ theo từng ngày.
Mùa “bấc cầu tài, nam giã bãi” năm đó, cát lại vùi thêm một thân phận cô đơn cô độc. Người ta moi cát ra đem ông đi an táng, họ đã lục thấy hàng chục lá đơn kêu đòi trả lại danh dự. Bốn cán bộ bị bắt cùng ông chỉ còn ba người. Vị trưởng công an huyện mới đã thực hiện được ước nguyện của lão ngư phủ Bơ Ry Kha khi đứng trước dân chúng xin lỗi về việc làm hồ đồ của đồng nghiệp, ông hứa sẽ truy tố những người liên can đến vụ việc. Ngày hôm đó, chuyện hiếm hoi ở cái làng cát này, gió thật lặng đến mấy tàu lá dừa cũng không hề nhúc nhích...”.
... Cháu biết đó, vậy mà đến hôm nay, tôi mới về lại nơi này, hỏi tôi có phải là người cao thượng như cháu nghĩ không?...
Tôi đang ngồi soạn từng xấp hình bỏ vào bịch ni lông và cắt phim kẹp theo cho từng người khách để chuẩn bị đi giao hình thì thấy người ta bu đen bu đỏ trước khách sạn Cát Bay. Người ta đang khiêng ông khách tóc trắng của tôi lên xe. Một chiếc Mercedes hộc tốc lên đường. Tôi lao theo ý ới với tay giao bọc hình nặng chịch của ông khách tóc trắng cho mấy người trên xe. Chiếc xe nhanh chóng mất hút, tôi lững thững ngã người lên cát. Tôi bần thần nhìn mấy ngọn cát bay, nhìn những đồi cát dịch chuyển. Cát có hồn không? Tôi nhớ lại câu hỏi của ông khách tóc trắng. Tôi thật sự không trả lời được, nhưng tôi biết kể từ nghe câu chuyện của ông, tôi nhìn đồi cát bằng cái nhìn khác trước và vấn đề của tôi không chỉ còn là chuyện kiếm sống.
Tháng năm âm lịch, mùa “bấc cầu tài, nam giã bãi”, gió giật dây mơ, thổi mờ con mắt, trong lúc mơ màng gà gật đợi khách, thỉnh thoảng tôi đưa máy lên ngắm, kiểu ngắm theo quán tính không mục đích của thợ hình. Chợt tôi rùng mình, trước ống kính tôi, trong ánh nhiệt lực hừng hực gợn sóng, trong mù trời cát bay, cô gái câm ấy rõ ràng đang lướt dọc đỉnh cát có hình mái nhà, rồi từ từ nhắm hướng tôi trực tiến. Tôi bỏ máy xuống, dụi mắt, không thấy gì. Bần thần một lúc, tôi lại đưa máy lên ngắm –Chào anh! Cô gái câm đã ở sát ống kính. Tôi giật thót người lùi nhanh về phía sau. –Chào cô Ry! Cô nói được ư?
-Sao anh biết tôi?
- Linh tính... Tôi trả lời nhát gừng nhưng đã bình tĩnh trở lại. Tôi không có lựa chọn nào khác là phải đối mặt, đối thoại. Tôi, một công dân bình thường, một giáo viên vì đời sống quá cơ cực của một thời bao cấp mà lăn chai trở thành một thợ hình ôm máy kiếm sống qua ngày đoạn tháng ở nơi Mái Nhà Cát Bay này xin lược trích lại cuộc đối thoại ảo của tôi với cô gái câm ngày xưa (có thể do tôi bị ám ảnh, cũng có thể vì một lẽ gì đó mà thật sự có cuộc đối thoại này):
- Tôi có nghe kể về chuyện tình của cô và người Việt cộng nằm vùng. Người ấy vừa quay lại đây trong day dứt, luôn trách mình. Cô có trách người ấy không?
- Thương nhau là cho nhau, sao lại trách?!
- Tôi còn biết cả máu cô đã đổ ra vón khối trên vùng cát này và cô đã chết ngay lúc đang yêu say đắm.
- Không riêng gì tôi, trên vùng cát này còn có bà mẹ trần truồng điên dại chạy tìm con. Bà chạy đến ôm xác con và cùng bị bắn, đứa bé bị bắn hai ba lần... Ở đằng kia, có em trai chăn bò bị chúng bắt trói gô lại làm bia để chúng tập bắn, nghe bảo thử loại vũ khí mới gì đó (trò thể thao của chiến tranh mà)... Trên ngọn dương tít đằng kia...
Khi tôi ngước lên thì cô gái câm ngày xưa ấy đã biến mất từ lúc nào.
Còn với già Bơ Ry Kha, tôi chỉ mơ màng thấy, mơ màng nghe duy nhất một lần. Trốt xoáy, cát đang bay mù trời bỗng dưng ngừng tụ, cuộn lên, tôi đang lụi hụi cất máy vào giỏ, vừa ngước lên thì thấy cát quần tụ thành khối lớn trên bầu trời, khuôn mặt già Kha lần hồi hiện ra, rõ dần, rõ dần. Chỉ một câu duy nhất ông nói rền động cả vùng đồi Mái Nhà Cát Bay: -Cát có hồn, quá khứ có hồn... muốn thay đổi thực trạng, phải biết, phải biết, phải biết!
Nguyễn Hiệp