Hơn cả Trân Châu cảng
“Một ngày của sự sỉ nhục!” - đó là cụm từ mà nhiều tờ báo của các thành phố lớn từ Boston, Bakersfield tới California, dùng để miêu tả thời khắc kinh hoàng khi hai tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ ngày 11.9.2001. 60 năm trước, chính Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thốt lên như vậy khi các hàng không mẫu hạm của Mỹ bị quân đội Nhật Bản tấn công tại Trân Châu cảng ngày 7.12.1941. 60 năm sau, nước Mỹ lại trải qua những thời khắc không thể quên và người ta không thể không có sự liên tưởng. Một Trân Châu cảng thứ hai?
Vào thời điểm nước Mỹ chuẩn bị cho lễ tưởng niệm tròn 10 năm ngày xảy ra vụ 11.9, giới học giả đã làm một phép so sánh thái độ của người dân Mỹ lúc này với 10 năm sau vụ Trân Châu cảng. Theo nhà văn Michael Slackman, tác giả một cuốn sách về trận Trân Châu cảng, sự đánh giá của người dân phụ thuộc vào những điều xảy ra với họ trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi thế hệ sẽ có những cái nhìn khác nhau về các sự kiện lịch sử dựa trên những vấn đề mà họ quan tâm. Từ góc độ này, có thể thấy hai vụ Trân Châu cảng không giống nhau.
![]() Nguồn: simple-english-blog.blogspot.com |
Trở lại năm 1951, 10 năm sau vụ Trân Châu cảng, vào thời điểm đó, hàng nghìn lính Mỹ đã bỏ mạng trong các cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, nước Mỹ cũng trong giai đoạn đầu chạy đua vũ trang hạt nhân với Liên Xô. Trong các thành phố thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận không quân sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là xảy ra các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử. Và vì thế, người ta không nhớ nhiều tới sự kiện Trân Châu cảng. Báo chí cũng không có chỗ cho sự kiện này. Một số tờ báo cũng đưa Trân Châu cảng lên trang nhất, nhưng chỉ dừng ở những dòng tít nhỏ về những mẩu chuyện kể lại. Nhiều tờ báo chỉ đưa một vài dòng ngắn gọn ở cuối trang nhất. LIFE, một trong những tạp chí tuần ăn khách nhất lúc bấy giờ, còn bỏ qua sự kiện này trong ấn phẩm ra tuần 3.12 - 10.12.
Thậm chí, một bộ phận người dân không nhớ ngày đó. Theo cuộc thăm dò dư luận tại Springfield, bang Massachusetts, chỉ có 3 trong số 23 người được hỏi trả lời họ biết vụ Trân Châu cảng và nhớ ngày xảy ra. Ở Hawaii, nhiều câu trả lời là không. Một phóng viên của tờ Honolulu Star-Bulletin cũng cho biết có 6 trong số 15 người được hỏi không biết ngày 7.12 có ý nghĩa như thế nào với đất nước họ. Bà Rosenberg nhấn mạnh vụ Trân Châu cảng là khởi đầu cho một cuộc chiến kéo dài sau đó của nước Mỹ với cái giá phải trả là hơn 400.000 mạng người. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên 1950 của thế kỷ trước, số người Mỹ thiệt mạng trong sự kiện này không thể so sánh với những người đã chết trong Đại chiến thế giới thứ hai và cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong cuốn sách “Một ngày sẽ sống mãi: Trân Châu cảng trong ký ức của người Mỹ” – nữ giáo sư sử học này đã nói về thái độ khá thờ ơ của người dân nhiều năm sau các vụ tấn công.
Trở lại với nước Mỹ những ngày này. Một bầu không khí khác hẳn bao trùm các thành phố lớn, đặc biệt là New York. Nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn và sự sợ hãi và cảm giác bất ổn vẫn chưa buông tha những công dân Mỹ. Nỗi sợ hãi, hoang mang này do sự mơ hồ của những kẻ thù mà họ phải đối mặt. 60 năm trước, kẻ thù của nước Mỹ là Nhật Bản – một quốc gia có chủ quyền. Phương tiện tấn công là khí tài quân sự. Mục tiêu tấn công là các cơ sở của quân đội. 60 năm sau, kẻ thù của nước Mỹ là một mạng lưới những kẻ cuồng tín và bài Mỹ. Chúng sẵn sàng sử dụng các máy bay dân dụng nhằm vào dân thường và mục tiêu của chúng là gây ra sự sợ hãi hoang mang trong dư luận.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2001 có tựa đề “Văn hóa chiến tranh”, John Dower, một chuyên gia về Nhật Bản đã từng đoạt giải thưởng Pulitzer, cho rằng với một số nhà phân tích, sự so sánh này khiến người dân Mỹ tin rằng họ có thể tiêu diệt những kẻ khủng bố 11.9 bằng khói súng như Mỹ và các đồng minh đã đánh bại Nhật Bản, phát xít Đức và Italy trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thực tế 10 năm qua đã chứng minh phản ứng này là một thảm họa khi mặc dù không xảy ra thêm vụ khủng bố nào trong lòng nước Mỹ, nhưng nỗi lo khủng bố vẫn canh cánh và trở thành không biên giới. Nước Mỹ đã, đang và tiếp tục phải trả giá cho hai cuộc chiến hao người tốn của tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Nước Mỹ tiếp tục vật lộn với những khó khăn nội tại và nước Mỹ vẫn phải tiếp tục đi tìm lại chính mình. Rõ ràng, xét một cách tổng thể, sự kiện 11.9 đã làm tổn thương nước Mỹ lớn hơn rất nhiều vụ Trân Châu cảng.