Hơn 5 triệu hộ kinh doanh xứng đáng có luật riêng
“Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 1,7 triệu hộ nộp thuế, do đó các hộ kinh doanh xứng đáng có luật riêng”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc bày tỏ quan điểm.
![]() |
“Nhiều người kỳ vọng đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có thể giúp chúng ta đạt mục tiêu về phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi từng được mời làm Trưởng nhóm tư vấn của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để xây dựng Đề án chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp theo sự phân công của Thủ tướng thì thấy vấn đề này không đơn giản. Khảo sát thực tế chỉ ra, phải để người ta thấy lên doanh nghiệp có lợi hơn so với hộ kinh doanh. Muốn vậy, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ về địa điểm kinh doanh, tín dụng, thuế, quản trị doanh nghiệp... Hiệp hội đã trình Đề án lên cơ quan có thẩm quyền nhưng đáng tiếc đến nay vẫn chưa được triển khai. Ngay Nghị quyết Trung ương về kinh tế tư nhân và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã đề ra chính sách về thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, nhưng hơn 2 năm qua, các luật thuế có liên quan vẫn chưa được sửa đổi”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc |
Không nên quy định trong Luật Doanh nghiệp
- Có nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang là vấn đề tạo dư luận trái chiều. Quan điểm của ông thế nào?
- Theo bản dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới nhất, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật là doanh nghiệp (gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân); quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh. Nhưng theo tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia thì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật. Nếu chúng ta ban hành một Bộ luật kinh doanh chẳng hạn, bao gồm các tổ chức, mô hình, hình thức kinh doanh thì có thể đưa hộ kinh doanh vào bộ luật này. Còn ở đây, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp chỉ là doanh nghiệp.
Cũng cần nhắc lại rằng, hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 1,7 triệu hộ nộp thuế. Do đó, các hộ kinh doanh xứng đáng có luật riêng.
- Nếu không đưa vào Luật Doanh nghiệp thì hộ kinh doanh cần được điều chỉnh thế nào, thưa ông?
- Trước hết, chúng ta phải trả lời câu hỏi: Mục tiêu điều chỉnh của pháp luật đối với hộ kinh doanh là gì? Nếu là để quản lý, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân thì có nhiều giải pháp. Đó là có thể ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, tương tự như chúng ta ban hành luật riêng về hợp tác xã. Trong khi chưa có luật, có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh về hộ kinh doanh nếu giải quyết được vấn đề có liên quan; hoặc để Chính phủ ban hành nghị định về hộ kinh doanh, sau một thời gian tổng kết thì nâng lên thành pháp lệnh hoặc luật riêng.
Quy định “thành lập hộ kinh doanh” là mang nặng tư duy hành chính
- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhìn vào các điều khoản trong chương VIIa về hộ kinh doanh sẽ gây khó khăn cho hộ kinh doanh. Ông thấy sao?
- Nhìn lại 8 điều trong dự thảo mới nhất sẽ thấy vẫn ràng buộc về thủ tục hành chính (gồm thành lập; quyền và nghĩa vụ của chủ hộ; đặt tên hộ kinh doanh; địa điểm kinh doanh; tạm ngừng, chấm dứt hoạt động; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký…), trong khi từ trước tới nay hộ kinh doanh chỉ đăng ký đơn giản. Nhìn vào đó có thể thấy, mục tiêu ở đây vẫn nặng về quản lý chứ chưa thực sự tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh.
Chẳng hạn, đối với quy định thành lập hộ kinh doanh (Điều 187b), tôi đang băn khoăn rằng liệu chúng ta có nên đặt khái niệm “thành lập hộ kinh doanh” không?
Hiện, chúng ta chưa có khái niệm hộ kinh doanh. Theo dự thảo Luật, “hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình đăng ký thành lập”. Ở nhiều nước, một cá nhân kinh doanh thì không thực hiện thủ tục thành lập và đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp mà chỉ đăng ký tại cơ quan thuế. Do vậy, khái niệm thành lập hộ kinh doanh cần xem xét lại, bởi sẽ tạo thủ tục phức tạp. Nếu cứ muốn bắt người ta phải thành lập hộ kinh doanh là còn mang nặng tư duy hành chính, làm phức tạp hóa vấn đề. Bởi ở Việt Nam, một cá nhân hay hộ kinh doanh thì không phải là tổ chức nên không cần qua thủ tục thành lập tương tự một doanh nghiệp.
Quy định như dự thảo luật không giải quyết gốc của vấn đề
- Vậy trong trường hợp vẫn thấy cần thiết phải quy định hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp thì nên quy định nội dung gì, thưa ông?
- Theo tôi có 2 cách. Cách thứ nhất, những quy định về hộ kinh doanh liên quan đến việc đăng ký thì nên đưa vào Chương II về thành lập doanh nghiệp, theo hướng chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (tức thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh). Bởi vì, Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân có nói đến việc hỗ trợ, khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng có quy định khuyến khích chuyển hộ kinh doanh thành DNNVV. Do đó, Luật Doanh nghiệp cũng có thể quy định chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nói chung. Song, cần đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh.
Cách thứ hai (có thể làm đồng thời với cách thứ nhất) là đưa hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh vào Luật Đầu tư. Bởi Luật Doanh nghiệp chỉ quy định việc thành lập, đăng ký, quản trị doanh nghiệp, còn hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư, trong đó Chương IV về hoạt động đầu tư tại Việt Nam quy định hình thức đầu tư, nhưng chưa đề cập đến chủ thể hay hình thức đầu tư là hộ kinh doanh.
Như vậy, sẽ tạo khung pháp lý cơ bản ở tầm một văn bản lập pháp cho hộ kinh doanh hoạt động. Sau một thời gian áp dụng, có thể ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Đó là cách làm nhanh nhất, là giải pháp hợp lý, cân bằng các quan điểm, vừa kịp thời giải quyết vấn đề của hộ kinh doanh ở tầm luật, vừa tính đến phương án tới đây sẽ ban hành một luật riêng. Còn nếu vẫn quy định như dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì không phải là cách giải quyết gốc vấn đề của hộ kinh doanh khi toàn các quy định thủ tục về đăng ký, giải thể, đặt tên, địa điểm…
- Xin cảm ơn ông!