Hơn 3,1 hecta rừng phòng hộ ven biển Huế bị khai thác trái phép: Sai phạm từ đâu?
UBND thành phố Huế vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc “một số diện tích rừng ven biển thuộc xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng, thành phố Huế) bị chặt hạ”, đồng thời chỉ đạo điều tra, xử lý. Vụ việc đặt ra yêu cầu cấp thiết về siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong bối cảnh chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp.
Rừng phòng hộ bị chặt phá từ... chủ trương cấp xã
Theo báo cáo số 9295/UBND-NN của UBND thành phố Huế thì vào ngày 2/7, lực lượng Kiểm lâm địa bàn đã phát hiện việc khai thác trái phép rừng tại lô 152 và 161, khoảnh 1, tiểu khu 89 thuộc thôn An Lộc, phường Phong Quảng.

Tổng diện tích bị khai thác là 3,1416ha, trong đó có 2,5843ha rừng phòng hộ và 0,5573ha rừng sản xuất, với tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị đốn hạ.
Điều tra ban đầu cho thấy, diện tích rừng trên thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (dự án 661) trồng từ năm 2008. Ban đầu được giao khoán cho nhóm hộ của ông Lê Nguyễn Sĩ quản lý, sau đó chuyển về UBND xã Quảng Công trực tiếp quản lý từ năm 2020.
Tuy nhiên, vào tháng 2 vừa qua, lãnh đạo UBND xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng) đã tổ chức họp và thống nhất phương án thanh lý 8ha rừng sản xuất, giao cho ông Nguyễn Văn Quốc với giá 85 triệu đồng.
Thực tế đã khai thác 3,1416ha, trong đó bao gồm cả diện tích rừng phòng hộ, loại rừng không được phép thanh lý nếu không có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Quốc, người trực tiếp khai thác rừng nói trên thừa nhận, đã được chỉ dẫn vị trí khai thác từ cán bộ địa chính xã là ông Lê Nguyễn An. Việc khai thác diễn ra trong khoảng 12 ngày, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Toàn bộ số gỗ được vận chuyển và bán cho một công ty tại Khu công nghiệp Phú Bài.
Chuyển tiền “ngoài sổ sách”, chỉ đạo sai thẩm quyền
Theo thông tin từ cơ quan Kiểm lâm, toàn bộ giao dịch thanh lý rừng không những không được thực hiện đúng quy định pháp luật, mà còn có dấu hiệu vi phạm tài chính.

Sau khi khai thác chưa đạt diện tích cam kết, ông Nguyễn Văn Quốc được yêu cầu chuyển lại số tiền 85 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, ông Quốc lại chuyển 30 triệu đồng cho ông Nguyễn Đình Thông, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Công (hiện là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng), và đưa tiền mặt 35 triệu đồng cho ông Lê Nguyên Oai, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã.
UBND thành phố Huế nhận định: hành vi khai thác rừng phòng hộ trái phép là nghiêm trọng và có dấu hiệu hình sự. Thành phố đã chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm các sai phạm trước ngày 22/7/2025.
Thành phố cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát, phòng ngừa vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương sau khi chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp.
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.