Hơn 2 nghìn tỷ USD định hình lại kinh tế Mỹ

- Thứ Bảy, 03/04/2021, 06:37 - Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đề xuất gói đầu tư hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế lớn nhất thế giới hậu đại dịch Covid-19 và đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Khoản đầu tư “nghìn năm có một”

Kế hoạch bao gồm khoản đầu tư 621 tỷ USD vào hạ tầng giao thông như cầu, đường, phương tiện công cộng, cảng, sân bay và phát triển xe điện; 400 tỷ USD dành cho chăm sóc người già và khuyết tật; hơn 300 tỷ USD cải thiện cơ sở hạ tầng nước uống, mở rộng truy cập băng thông rộng và nâng cấp lưới điện; hơn 300 tỷ USD xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội, cùng với đầu tư cho hệ thống trường học; tư 580 tỷ USD cho ngành sản xuất, công tác R&D và các nỗ lực đào tạo nghề.

Tổng thống Biden công bố kế hoạch trấn hưng kinh tế 2 nghìn tỷ tại Pittsburgh - AP
Tổng thống Biden công bố kế hoạch trấn hưng kinh tế 2 nghìn tỷ tại Pittsburgh
Ảnh: AP

Kế hoạch này trải dài 8 năm và được chi tiền trong hơn 15 năm bằng cách tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của doanh nghiệp để buộc các tập đoàn đa quốc gia phải mang lợi nhuận về nước. Những thay đổi về thuế sẽ sửa đổi hoặc thay thế phần lớn cấu trúc thuế quốc tế mà Đảng Cộng hòa thiết lập cách đây 4 năm.

Tổng thống Joe Biden chọn công bố kế hoạch tại Pittsburgh, nơi nền kinh tế đang có sự dịch chuyển lớn từ các ngành truyền thống như cơ khí và khai mỏ sang y tế và công nghệ. Phát biểu tại Pittsburgh, ông Biden nhấn mạnh, 50 năm tới, người dân Mỹ sẽ nhìn lại và nói đây là thời điểm mà nước Mỹ đã giành trước chiến thắng trong tương lai. Ông gọi đây là tầm nhìn để tạo ra “nền kinh tế mạnh nhất, linh hoạt nhất, sáng tạo nhất thế giới, thúc đẩy lợi ích an ninh thế giới và đưa Mỹ vào vị thế giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc những năm tới”- và hàng triệu “công việc mang lại thu nhập tốt” đang trên đường tới Mỹ. “Đây là một khoản đầu tư nghìn năm có một ở Mỹ, không giống bất cứ điều gì chúng ta đã thấy hoặc đã làm kể từ hàng thập kỷ trước. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào việc làm của Mỹ kể từ Thế chiến thứ hai”.

Một trong những mục tiêu mà chính quyền Biden đặt ra là hiện đại hóa 20.000 dặm đường cao tốc đang xuống cấp, đường giao thông và các đường phố chính cũng như 10.000 cây cầu. Khoản đầu tư cũng dùng để sửa chữa 10 cây cầu quan trọng nhất về kinh tế của quốc gia ở Mỹ trong tình trạng cần thay thế.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết khoản đầu tư sẽ giúp xây dựng lưới điện hiện đại và hoàn toàn sạch, đồng thời tạo ra một mạng lưới trên toàn quốc gồm 500.000 trạm sạc cho ô tô điện. Ông chỉ ra sự cố mất điện ở Texas xảy ra trong các cơn bão vào mùa đông vừa qua là một ví dụ về việc lưới điện của Mỹ cần được nâng cấp.

Ngoài ra, 500.000 ngôi nhà cho người thu nhập thấp và trung bình sẽ được xây mới hoặc cải tạo, đồng thời thay thế toàn bộ đường ống trong hệ thống nước uống.

Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ trong phiên giao dịch vừa kết thúc rạng sáng 2.4 (giờ Việt Nam) lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 4.000 điểm. Các nhà đầu tư đã khởi động một quý mới với sự lạc quan về nền kinh tế và khả năng hồi phục sau dịch của nước Mỹ.

Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ, chỉ số hoạt động sản xuất của nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng lên mức 64,7 điểm trong tháng 3, từ mức 60,8 điểm vào tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12.1983.

Thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa khi nhà đầu tư lạc quan với kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden. Người tiêu dùng Mỹ cũng lạc quan hơn những tháng gần đây nhờ vào việc mở rộng phân phối vaccine và giảm mạnh các trường hợp mắc Covid-19. Tâm trạng lạc quan của người tiêu dùng đã chuyển thành sự sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Mục tiêu Trung Quốc

Đây là sáng kiến lớn thứ hai của chính quyền ông Biden sau khi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua đầu tháng 3, và là gói đầu tiên trong kế hoạch kinh tế gồm hai phần. Trong động thái mới, ông Biden hướng đến mục tiêu tạo việc làm mới, củng cố mạng lưới cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu. Gói kinh tế thứ hai sẽ tập trung vào chăm sóc trẻ em, bảo hiểm y tế, giáo dục và dự kiến được công bố trong tháng này. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng đây là nỗ lực để cạnh tranh với công nghệ và đầu tư công của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang đe dọa vị trí thống trị của Mỹ.

Năm ngoái, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng tiêu dùng chính của thế giới sau khi phục hồi kinh tế nhờ ngăn chặn sớm đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh quyền kiểm soát công nghệ nhạy cảm với Mỹ khiến các công ty Trung Quốc đối mặt hàng loạt lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu mới.

Cân nhắc kịch bản trên, nhiều công ty đa quốc gia có khả năng tái cơ cấu chuỗi cung ứng vốn tập trung vào Trung Quốc, chuyển sang đa dạng hóa nhà cung cấp để thúc đẩy khả năng phục hồi hậu đại dịch - theo báo cáo hôm 31.3 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), đơn vị giám sát kinh tế vĩ mô khu vực có trụ sở tại Singapore, đại diện cho 10 thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo báo cáo của AMRO, nguồn đầu tư trực tiếp vào Đông Nam Á tăng mạnh kể từ năm 2018 cho thấy khả năng tái cơ cấu mô hình sản xuất do ảnh hưởng từ những căng thẳng thương mại. Báo cáo đề cập đến một số trường hợp như nhà cung cấp phụ tùng xe hơi Hyundai Mobis đã rút hoạt động khỏi Trung Quốc chuyển về Hàn Quốc và GoerTek, nhà cung cấp tai nghe không dây chính của hãng Apple, chuyển đến Việt Nam.

Con đường chông gai

Mặc dù đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, song nỗ lực thông qua kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều khả năng sẽ vấp phải không ít khó khăn. Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng phản đối kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp để đổi lấy khoản đầu tư với lập luận điều này chỉ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn phục hồi. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố “đấu tranh đến cùng” về kế hoạch cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD của Tổng thống. Đề xuất của ông Biden sẽ tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% và thiết lập mức thuế tối thiểu trên toàn cầu. Trong khi đó, Luật Thuế do đảng Cộng hòa thiết lập năm 2017 và được cựu Tổng thống Donald Trump ký đã giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%.

“Tôi nghĩ các gói họ đang tập hợp để giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ phía chúng tôi”, ông McConnell nói trong cuộc họp báo tại bang quê nhà Kentucky hôm 1.4. “ Đây chưa phải lúc cần đến đợt tăng thuế khổng lồ đối với tất cả bộ phận sản xuất trong nền kinh tế của chúng ta”. Sự phản đối này, theo AP, báo hiệu con đường gập ghềnh của kế hoạch trên.

Đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, nhưng đa số của họ rất mong manh, đặc biệt tại Thượng viện, nơi có 50 nghị sĩ đảng Dân chủ và 50 nghị sĩ đảng Cộng hòa. Thông thường, cần có 60 phiếu bầu để thông qua bất kỳ dự luật nào tại Thượng viện. Tuy nhiên, đôi khi đa số đơn giản có thể thông qua các dự luật liên quan ngân sách nhất định. Đó cũng là cách Quốc hội thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD tháng trước, chỉ với sự ủng hộ của đảng Dân chủ, và đảng này đang hy vọng có thể lặp lại kịch bản trên với kế hoạch cơ sở hạ tầng.

Tại Hạ viện, phe Dân chủ đa số với cách biệt lớn hơn một chút, và nếu không có thay đổi lớn nào, Chủ tịch Nancy Pelosi có thể sẽ thông qua kế hoạch của ông Biden vào đầu tháng 7.

Các nhóm doanh nghiệp Mỹ hôm 31.3 cũng bày tỏ phản đối tăng thuế để lấy nguồn tài trợ cho kế hoạch, cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong quan hệ của họ với ông Biden. Khi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được Quốc hội thông qua mà không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, cộng đồng doanh nghiệp phần lớn đã đón nhận.

Đạt Quốc