Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, trên 27 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng do bão Yagi tổng cộng có 2 ổ dịch cúm gia cầm (CGC), số ổ dịch tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước tại 2 tỉnh, thành phố, số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.653 con, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, cả nước có 1 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước chưa qua 21 ngày.
Để khôi phục sản xuất thành công, hiệu quả, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đề nghị, các địa phương tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Đơn vị chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, cũng như việc tiêm phòng vaccine đầy đủ đối với các bệnh phổ biến của từng loại vật nuôi…
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, bão số 3 đã làm thiệt nặng nề các khu vực nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại trên 30.000ha, khoảng 6.180 tỷ đồng. Trước những thiệt hại trên, Cục Thủy sản đã liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống chất xử lý cải tạo môi trường nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ với số tiền tương đương trên 90 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, ông Luân kiến nghị các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường ở các vùng nuôi bị ngập lụt. Các biện pháp như sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước tại những vùng bị ô nhiễm cần được thực hiện nhanh chóng.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Tân An cho biết, hàng chục năm đầu tư nuôi trồng thủy sản, ông chưa thấy cơn bão nào gây thiệt hại nặng nề như cơn bão số 3 (Yagi). Gần 4.000 tấn hàu gần cho thu hoạch không còn con nào. Doanh nghiệp không tìm lại được gì trên biển. Không chỉ trên biển, doanh nghiệp có 2 cơ sở nuôi trong đất liền cũng bị thiệt hại hoàn toàn.
Theo ông Ngô Hùng Dũng, mùa Đông đang đến gần, nếu nuôi thủy sản chậm thì khả năng tăng trưởng của vật nuôi gần như không có. Nếu không tranh thủ được thời gian này để tái sản xuất thì rủi ro, thiệt hại càng lớn. Công ty cũng đã nhận được sự chia sẻ, động viên của các đơn vị cung cấp vật tư nuôi trồng thủy sản.
Ông Ngô Hùng Dũng cũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhanh chóng hỗ trợ cho nhân dân; đưa nhanh các đối tượng nuôi ngắn ngày cho nhân dân để tạo sinh kế sớm nhất, như: rong, hàu, hay một số loại cá biển ngắn ngày.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để khôi phục sản xuất, ngày 27.9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 100 phân công các bộ ngành phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3.
Để sớm khôi phục sản xuất, tạo nhanh sinh kế cho người dân, địa phương cần chọn đối tượng, chuẩn bị vật tư, thức ăn, vệ sinh môi trường… bắt tay ngay vào tái sản xuất. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, địa phương cần huy động mọi nguồn lực để tranh thủ thời gian phục hồi sản xuất ngay. Thời tiết còn có những biến động nhất định, các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... còn nguy cơ rất lớn. Chính vì vậy, dịch bệnh có thể chồng chéo lên ảnh hưởng của lũ bão. Do đó, việc vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học phải đặt lên hàng đầu. Đây vừa là nhiệm vụ sau bão, vừa là yêu cầu về hệ thống giải pháp trong chăn nuôi.
Thứ trưởng đề nghị, các Cục: Thủy sản, Chăn nuôi, Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiến hành đánh giá lại thiệt hại và tình hình thực tế để chỉ đạo, tập trung nguồn lực phục hồi cho 2 lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã trao tặng các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 3 tiền, con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất khử trùng... với tổng giá trị hơn 190 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27.9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã tới thăm, động viên và trao quà cho các hộ bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng.